Song một số ý kiến gay gắt hơn lại cho rằng, chính du lịch đã làm sắc màu văn hóa bản địa bị mai một… Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đây là mối quan hệ có tính hai chiều. Nếu không giữ được môi trường, không giữ được văn hóa thì thế mạnh du lịch sẽ mất theo…
Ông Nguyễn Văn Tuấn
PHÓNG VIÊN: Bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì việc phát triển du lịch quá nhanh và quá nóng cũng đem tới nhiều hệ lụy, như đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, làm biến đổi màu sắc văn hóa bản địa…
Ông NGUYỄN VĂN TUẤN: Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam 2017 là du lịch. Năm 2017, Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ này. Đây chỉ là một trong số nhiều danh hiệu, giải thưởng thế giới trao tặng du lịch Việt Nam trong năm qua. Điều này cho thấy, thương hiệu du lịch Việt Nam đang ngày càng được định vị trên trường quốc tế. Song bên cạnh vị thế đang lên của ngành công nghiệp không khói này, điều dễ nhận thấy là việc đầu tư ồ ạt không bài bản, thiếu chuyên nghiệp, được ví như con dao hai lưỡi đang đe dọa sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.
Thực trạng phát triển “nóng” tại các trung tâm du lịch lớn ở Tây Bắc cũng được đưa ra phân tích. Như Sa Pa, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh, thì du lịch nơi đây đang đối mặt với 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là mật độ dày đặc, nén đến mức quá tải ở khu vực trung tâm, tạo nên sự thay đổi lớn, làm mất đi hình ảnh và giá trị vốn có của Sapa. Thứ hai là sự mai một về văn hóa. Thứ ba, quản lý điểm đến cũng có nhiều vấn đề bất ổn. Ba yếu tố này cho thấy rõ sự phát triển thiếu tính bền vững.
Phố cổ Đồng Văn bị che khuất bởi các bảng hiệu dày đặc
Không chỉ bùng phát hàng loạt cơ sở lưu trú mà dịch vụ cáp treo trong những năm gần đây cũng đang phát triển mạnh và được coi là “trào lưu” mới của du lịch. Có những ý kiến ủng hộ, nhưng cũng có nhiều phản đối gay gắt bởi tính nguyên thủy và hoang sơ của điểm đến bị ảnh hưởng?
Tôi ủng hộ cáp treo. Làm du lịch, một mặt là phải bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ giá trị văn hóa, nhưng phải tạo ra phương thức mới để nhiều người có thể tiếp cận được giá trị cốt lõi, giá trị tinh thần của điểm đến. Nếu chúng ta cứ khư khư chỉ duy trì độc đạo đường bộ thì liệu bao nhiêu người có thể tiếp cận được cảnh quan tuyệt đẹp ở nơi này. Cũng phải trở lại câu hỏi, cáp treo có làm hỏng đi giá trị của điểm đến không, có làm hỏng hệ sinh thái không? Theo tôi là không. Trong khi đó, lợi ích từ cáp treo đem lại rất lớn, vì thế khi dựng cáp treo ở nơi này không chỉ nhà đầu tư được lợi, mà các nhà nghỉ, cộng đồng dân cư xung quanh cũng có thêm khách, có thêm việc làm, có thêm thu nhập. Vấn đề là phải kiểm soát đảm bảo đầu tư không làm phương hại tới giá trị văn hóa và tài nguyên môi trường. Dĩ nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách chưa làm được như mong muốn…
Tiêu chí để phân định đâu là phát triển bền vững, có cần phải vạch ra một cách cụ thể?
Theo tôi, mọi việc vẫn phải bắt đầu từ quy hoạch, để xác định ở mỗi nơi phát triển cái gì, ngưỡng như thế nào? Mỗi điểm đến muốn phát huy tốt giá trị cũng đều có ngưỡng riêng. Cần phải phát triển theo chiều sâu và mang giá trị gia tăng, hơn là số lượng. Cần kiểm soát quy hoạch, đảm bảo rằng, đầu tư không làm phương hại đến các giá trị văn hóa và tài nguyên môi trường. Cần khẳng định rằng, phát triển du lịch phải giữ được môi trường, giữ được văn hóa. Nếu không giữ được thì giá trị điểm đến sẽ bị phương hại và khách sẽ không còn đến nữa.
Du lịch phát triển đã tạo nhiều áp lực lên di sản
Một số chuyên gia du lịch cũng nhận định, việc cải thiện thứ hạng này chủ yếu nhờ sự nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, còn năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa nhiều so với các nước trong khu vực, nhất là ở các chỉ số bị đánh giá rất thấp.
Tránh hiện tượng các sản phẩm du lịch na ná nhau, đâu đâu cũng thấy nhà sàn, múa sạp… thì câu chuyện lập cơ quan quản lý du lịch theo vùng (bởi du lịch là hoạt động liên vùng chứ không phải bó hẹp trong không gian một tỉnh, thành) cũng đã được đề xuất. Đúng là có việc các loại hình, sản phẩm du lịch đã được xác định và hình thành nhưng chưa có sự đầu tư phát triển tập trung, để tạo những khu du lịch, điểm du lịch lớn, chất lượng cao. Phát triển sản phẩm du lịch nhiều nơi còn mang tính tự phát, chưa thật sự dựa trên nhu cầu thị trường, còn thiên về số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chỉ tiêu về chất lượng. Việc khai thác các giá trị tài nguyên du lịch ở một số nơi còn chạy theo việc đáp ứng nhu cầu hiện tại, chưa chú trọng sự bền vững về tự nhiên, xã hội…
Và kết quả là sản phẩm du lịch của nước ta còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn, trùng lặp giữa các vùng. Du khách chỉ cần đến một địa phương cũng có thể cảm nhận những sản phẩm tương tự ở các địa phương lân cận, nên không mạnh tay chi tiêu để khám phá điểm đến mới. Giải quyết thực trạng này cần có sự hoạch định bài bản để quy hoạch các tuyến, điểm du lịch; xây dựng những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng, giàu tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam.