Phải hỗ trợ cả hãng bay tư nhân
TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, chia sẻ, hiện có tới 80%-90% máy bay “đắp chiếu” tại sân bay, doanh thu tụt dốc chỉ còn 10%-20%. Trước thực trạng này, các ý kiến tại tọa đàm đều có chung quan điểm là cần cấp thiết hỗ trợ cho các hãng hàng không Việt Nam, không phân biệt hãng bay nhà nước hay tư nhân. Tất cả các hãng bay cùng có đóng góp rất lớn cho ngân sách, tới 22.000 tỷ đồng thuế phí mỗi năm, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, là “mắt xích” quan trọng trong guồng máy phát triển du lịch, giao thương, hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Vietnam Airlines được Quốc hội và Chính phủ đồng ý cho vay, đã giải ngân 4.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng được Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua số cổ phần tăng thêm khi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ. Còn lại các hãng hàng không khác đều không thể tiếp cận vốn vay, do không đáp ứng các quy định hiện hành.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết, theo Thông tư 03 về cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước, với diễn biến dịch bệnh vẫn khó lường, thời hạn quy định cơ cấu nợ sắp đến, chỉ cần bị chuyển sang nợ xấu thì cánh cửa vay vốn với các hãng sẽ tự động đóng lại.
Đồng thuận phải tìm kiếm các giải pháp để các hãng bay tư nhân tiếp cận vốn, tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Khắc Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM, đặt ra vấn đề: Liệu chúng ta có đang lấy tiền dân nộp thuế để đi giải cứu một cơ chế thị trường hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Khắc Bảo cho rằng, việc hỗ trợ và giải cứu ngành hàng không cần đạt mục tiêu kép, vừa phải đảm bảo năng lực hồi phục và tạo đà phát triển ngành hàng không, vừa phải bảo toàn, tạo sự bền vững cho ngân sách quốc gia. Vấn đề là cần có cơ chế ràng buộc đối với các hãng, có thể cho phép linh hoạt lãi suất, thị trường phục hồi tốt phải trả lãi cao hơn, để đảm bảo công bằng với ngân sách, công bằng với tiền thuế của dân…
Cần đồng bộ, dài hơi
Theo kinh nghiệm từ các quốc gia, được chia sẻ tại tọa đàm, các nước đã và đang hỗ trợ tích cực cho ngành hàng không vượt qua khủng hoảng. Ví dụ, Đức bơm tiền dưới dạng góp cổ phần, Pháp và Hà Lan có gói vay trực tiếp và bảo lãnh vay, Mỹ có gói cứu trợ 50 tỷ USD cho các hãng bay tư nhân. Các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore cũng có những hỗ trợ mạnh cho ngành hàng không. Với ngành hàng không Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Nguyễn Sĩ Hưng cho rằng, các giải pháp hỗ trợ cần đồng hộ, quyết liệt, để khi thị trường phục hồi có thể bắt được cơ hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, những giải pháp đối với Vietnam Airlines khó có thể áp dụng được với hàng không tư nhân. Thay vào đó, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ hãng bay tư nhân tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng, bởi hiện các ngân hàng còn vốn, các doanh nghiệp thì cần vay, chỉ vướng về cơ chế. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi đối với các hãng hàng không tư nhân, cho vay hỗ trợ lãi suất khoảng 3%-4%/năm so với vay thương mại, thời hạn vay vốn từ 1-2 năm. Bên cạnh đó, xem xét cho phép SCIC đầu tư vốn dạng cổ phần và sẽ thoái vốn khi doanh nghiệp đã ổn định. Đồng thời, việc miễn giảm một số thuế, phí cần được xem xét kéo dài phù hợp tình hình thực tế.
Để được nhận hỗ trợ, Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan cũng cần quy định bắt buộc các doanh nghiệp hàng không phải đáp ứng được những điều kiện như cam kết giữ nhân viên, tái cấu trúc hoạt động, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường, đổi mới quản trị điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh. Các ý kiến tại tọa đàm cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch trong triển khai giải ngân gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng và giải pháp tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng đối với Vietnam Airlines trong thời gian tới.