Bất kỳ trào lưu nào thịnh hành ở các nước châu Á, ngay sau đó có phiên bản tại Việt Nam. Thời điểm phim cổ trang ồn ào màn ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc thì nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật nước ta cũng rần rần làm phim cổ trang, MV ca nhạc cổ trang. Rồi đến phim ảnh, MV lụy tình ướt át kiểu Hàn Quốc, Thái Lan, một thời tràn ngập màn ảnh Việt.
Nhiều năm qua, dòng nhạc thị trường tràn ngập sáng tác sính ngoại như nhạc Hoa lời Việt, nhạc Hàn lời Việt, nhạc Việt chèn tiếng Anh... Đó là ca khúc, còn nói đến hình ảnh minh họa, xuất hiện không ít sản phẩm mang đậm giá trị nghệ thuật và bản sắc… nước khác. Mới đây, phim âm nhạc ngắn Nước chảy hoa trôi, lấy bối cảnh cổ trang Trung Quốc, có yếu tố đam mỹ được đẩy lên tận cùng bằng những cảnh nóng… rực. Thậm chí, thông tin giới thiệu sản phẩm này nhiều đoạn ghi ca khúc lấy cảm hứng từ 2 câu thơ trong Truyện Kiều - “Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Đây là MV âm nhạc cổ trang được đầu tư đến 10 tỷ đồng cho bối cảnh, phục trang, đạo cụ, kỹ xảo… Tuy nhiên, những cảnh nóng được mệnh danh đệ nhất “giường chiếu” đam mỹ chưa từng thấy ở Việt Nam hay cảnh cung điện ngập tràn zombie khát máu… khiến người xem nghẹt thở. Hay ho gì khi một bộ phận khán giả tung hô “MV ca nhạc cổ trang hay nhất lịch sử Việt Nam là đây” khi hình ảnh, câu chuyện, trang phục… hoàn toàn bắt chước nước ngoài?
Trước đó, hàng loạt MV âm nhạc cổ trang ngập tràn hình ảnh xiêm y nước khác như: Cánh hoa tổn thương, Sống xa anh chẳng dễ dàng, Lạc giữa nhân gian, Họa tình… Phần lớn các MV này chọn trang phục, bối cảnh, câu chuyện và nhân vật theo hơi hướng các phim kiếm hiệp, dã sử Trung Quốc. Nhiều sản phẩm chỉ chú trọng xây dựng kịch bản hoành tráng mà chưa đầu tư nghiên cứu nghiêm túc câu chuyện, nhân vật, yếu tố mang bản sắc Việt. Còn một số sản phẩm được cho là lấy cảm hứng cổ trang Việt Nam lại không nghiên cứu kỹ trang phục khi đưa vào MV. Cùng MV, có nhân vật mặc giống trang phục Việt, lại có nhân vật mặc trang phục Trung Quốc…
Sau sức nóng phim cung đấu cổ trang Trung Quốc, khán giả Việt cũng từng được xem bộ phim cung đấu “made in Việt Nam” là Phượng khấu. Vấn đề giới hạn của việc hư cấu lịch sử trong bộ phim trở thành “cơn sốt”, gây tranh cãi xung quanh nhân vật lịch sử có thật, điển hình là Nhân Tuyên hoàng thái hậu, 2 ông hoàng Miên Áo và Miên Uyển… Việc hư cấu quá đà như phim dã sử nước ngoài vấp phải phản ứng của người xem bởi xuyên tạc hình tượng nhân vật lịch sử, chưa dựa trên việc phân tích sự kiện logic.
Khi làn sóng văn hóa nghệ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ồ ạt vào nước ta với đủ loại phim ảnh, âm nhạc, truyện ngôn tình... không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng đủ bản lĩnh để tiếp thu, thực hiện sản phẩm mà không bị ảnh hưởng. MV cổ trang vì lẽ đó cũng là cái bẫy cho những ai thiếu ý tưởng, làm biếng sáng tạo, chỉ thích... bắt chước.
Với nghệ thuật, việc tiếp thu, học hỏi cách thể hiện nội dung, hình thức… từ các tác phẩm là phổ biến. Nhưng nghệ thuật không phải chỉ để giải trí cho vui, mà nghệ thuật còn là sản phẩm văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc. Chưa kể, nhiều nghệ sĩ còn nhân danh sáng tạo cho “nghệ thuật đương đại”, “giữ hồn dân tộc” để thực hiện những sản phẩm đi quá giới hạn.
Giữ bản sắc Việt trong văn hóa nghệ thuật là việc phải làm, bằng những sản phẩm ý nghĩa, có tính chất giáo dục và gần gũi sử Việt, chứ không phải là những sản phẩm hời hợt khoác áo nghệ thuật tiếp tay cho ẩn họa “xâm lăng văn hóa”. Cho nên, trong thời đại hội nhập, càng đòi hỏi những người làm văn hóa nghệ thuật Việt phải bản lĩnh hơn lúc nào hết, làm sao để chúng ta hòa nhập mà không hòa tan - vẫn giữ được bản sắc Việt!