Chuẩn bị kỹ về sức khỏe, kỹ năng và kiến thức
Marathon chạy địa hình vốn là môn thể thao thử thách giới hạn của con người, nên không dành cho những người chơi thiếu kinh nghiệm. Do vậy cần sàng lọc kỹ không để những người thiếu kinh nghiệm cũng có thể tham dự.
Các vận động viên (VĐV) cần trang bị kỹ năng và kinh nghiệm để bảo vệ mình trước nhiều tình huống bất trắc ngoài dự kiến. Đường đua có núi cao, vực sâu, đất đá, suối chảy, mưa nắng dọc đường. Ở những chỗ đường khó đi, không nên đi một mình mà nên chờ có VĐV khác đi cùng để dắt nhau qua suối, leo - đổ dốc, giúp đỡ nhau trong những tình huống bất ngờ. Nên chuẩn bị chu đáo từ tập luyện chăm chỉ, tìm những địa điểm tương tự để cơ thể làm quen với thời tiết, địa hình; tìm hiểu về kỹ năng sinh tồn, cách đối phó những tình huống có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những VĐV có sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ càng về mọi mặt để tham gia, vẫn có không ít VĐV tham vọng vượt ngưỡng bản thân, cho dù chưa hẳn đã có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt thể chất. Họ cũng không biết cách dừng lại khi cơ thể kiệt quệ. Thậm chí, một số người chỉ tham gia cho vui như một chuyến du lịch, trải nghiệm. Chính điều này có thể khiến nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra.
Những năm gần đây, các phong trào chạy marathon, trekking (đi bộ đường dài qua những địa hình khác nhau trong nhiều ngày), đi phượt… phát triển rất mạnh tại Việt Nam. Hành trình chinh phục những cung đường hiểm trở, thử thách khả năng bản thân luôn hứa hẹn nhiều điều bổ ích thú vị, đặc biệt với các bạn trẻ. Tuy nhiên cũng chứa đựng không ít rủi ro, thách thức và những điều không thể lường trước.
Do vậy, các cơ quan quản lý, các nhà tổ chức hành trình trải nghiệm, khám phá, du lịch mạo hiểm cần rà soát việc tổ chức, đảm bảo an toàn hơn. Mỗi người tham gia phải hết sức thận trọng, chuẩn bị kỹ hơn về sức khỏe, kỹ năng và kiến thức khi tham gia những loại hình hoạt động này.
BÙI THANH, quận 7, TPHCM
Chinh phục thử thách nhưng phải an toàn
Thời gian gần đây đã có những trường hợp không đảm bảo an toàn, xảy ra tai nạn chết người trong các chuyến đi phượt, du lịch mạo hiểm. Mặc dù vậy, để thoải mái khám phá, trải nghiệm và thử thách bản thân, các bạn trẻ trong các hội nhóm cộng đồng phượt trên mạng xã hội vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến đi phượt mạo hiểm, trekking xuyên rừng, vượt núi. Những cung đường càng xa xôi, hiểm trở càng có sức hấp dẫn.
Hầu hết những người tham gia chưa quen biết nhau nhưng vẫn luôn sẵn sàng xách ba lô lên đi cùng người lạ bất cứ đâu. Một người tự xưng là leader (trưởng nhóm) thu mỗi người vài triệu đồng để chi trả việc ăn uống, xăng xe và phí thuê lều trại. Do tổ chức hoàn toàn tự phát, nên chỉ có leader đứng ra chịu trách nhiệm dẫn đường, các thành viên tham gia chuyến đi hầu như không được trang bị các kỹ năng thiết yếu và đồ bảo hộ để xử lý khi xảy ra các tình huống bất trắc trên đường; mạnh ai nấy đi, không có ai lo ứng cứu khi trong đoàn có người gặp sự cố.
Nhiều người đam mê phượt vẫn quan niệm, phượt thủ là những người ham mê tự do, thích khám phá, không lo ngại hay sợ sệt điều gì, do vậy việc chịu nắng mưa, lội bùn, chạy xe thâu đêm, ngủ trong rừng là trải nghiệm. Song, chinh phục thử thách không có nghĩa là liều mạng mà vẫn phải đảm bảo an toàn.
Để những chuyến đi phượt mạo hiểm, trekking xuyên rừng, vượt núi thực sự là hoạt động vui, bổ ích, người tham gia và ban tổ chức phải chủ động phòng tránh xảy ra tai nạn, trang bị các kỹ năng cần thiết, chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi. Đồng thời có phương án ứng phó các tình huống bất trắc, đi theo nhóm để tránh lạc đường và hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro…
NGUYỄN NAM, quận Gò Vấp, TPHCM