Giọt nước mắt không mang hình viên đạn

Giọt nước mắt không mang hình viên đạn

Nếu bạn hỏi điều gì đọng lại trong tôi nhiều nhất, tôi có thể trả lời bạn ngay tức thì: nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc của các nữ xạ thủ - những người thường được mệnh danh là có trái tim sắt và tinh thần thép. Sau khi đấu xong và biết chắc đội nhà đã đoạt HCB, nước mắt của các cô gái bắn súng cứ tuôn trào không ngớt...

Sáng qua, đội tuyển bắn súng Việt Nam đã ấp ủ bao hy vọng về chiếc huy chương ở nội dung đồng đội súng trường hơi di động nữ, bởi ngày hôm trước, Tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam Nguyễn Đức Uýnh đã nhắn nhủ lúc chia tay: “Mai nhớ ghé nhé, sẽ có bất ngờ đấy”. Hỏi ông hy vọng sẽ là huy chương gì? Ông Uýnh chỉ cười cười: “Cứ biết thế đã, nói trước sợ bước không qua”. Hỏi chơi thế thôi, nhưng tôi biết, đội tuyển bắn súng Việt Nam đang mưu tìm chiếc HCV đầu tiên tại đại hội, bởi đinh ninh nội dung này đội chủ nhà Trung Quốc không thi đấu.

Thế nhưng, sáng qua, khi nhìn vào bảng danh sách thi đấu vào giờ chót, mọi người đã… hỡi ôi. Ngay các nữ tuyển thủ Việt Nam cũng bất ngờ và bị trạng thái ghê lắm. Trong lúc đó, HLV Nguyễn Thị Nhung đi qua đi lại trấn an lẫn động viên tinh thần cho các học trò, nhưng chính chị cũng không tránh khỏi cảm giác căng thẳng, khi cứ nhấp nhỏm, đứng ngồi không yên.

Bởi ngoài đối thủ sừng sỏ Trung Quốc cuối cùng vẫn góp mặt, đội nữ Việt Nam còn đối đầu với những xạ thủ rất mạnh đến từ CHDCND Triều Tiên. Ngồi theo dõi các học trò thi đấu, HLV Nguyễn Thị Nhung thỉnh thoảng lại buột miệng than thầm: “Đoàn chủ nhà Trung Quốc tham thế, cứ tưởng là bỏ nội dung này, thế mà vẫn nhảy vào thi đấu để vét hết. Đấu với họ thì cửa vàng ở nội dung đồng đội của chúng ta bị chặn chắc rồi em ạ, giờ thì chỉ tranh bạc với Triều Tiên thôi…”.

Và vì thế, cuộc so kè chiếc HCB đã diễn ra rất căng thẳng, bởi điểm số của các xạ thủ Việt Nam và Triều Tiên kè nhau rất sát. Thế nhưng, sau khi xạ thủ cuối cùng của Hàn Quốc kết thúc đợt thi đấu với 162 điểm ở phần bắn chậm, gương mặt HLV Nguyễn Thị Nhưng và các xạ thủ Đặng Hồng Hà, Cù Thị Thanh Tú và Nguyễn Thị Thu Hằng đã giãn ra thấy rõ, và thay vào đó là nụ cười rạng rỡ, bởi chiếc HCB đã thuộc về họ.

Giọt nước mắt hạnh phúc của xạ thủ Cù Thị Thanh Tú. Ảnh: Bách Nhật

Giọt nước mắt hạnh phúc của xạ thủ Cù Thị Thanh Tú. Ảnh: Bách Nhật

Sau đó, cả đội kéo nhau ra ngoài sảnh để chụp ảnh lưu niệm và phỏng vấn, khi ấy, những nụ cười của các nữ xạ thủ đã thay bằng những giọt nước mắt vắn dài hạnh phúc, vì sự quan tâm đặc biệt của các phóng viên dành cho họ.

Thậm chí, HLV Nguyễn Thị Nhung phải kêu lên: “Ơ hay, mấy con bé này, đoạt huy chương phải vui lên chứ sao lại khóc? Cười để còn lấy may cho các đội tuyển khác nữa chứ”. Nghe HLV trưởng nói thế, các xạ thủ nhà ta lại càng thút thít tợn, bởi có lẽ trong phút giây vinh quang ấy vẫn gợi lên trong họ bao dấu ấn của những ngày luyện tập vất vả, cũng như phải luôn trong cảnh “liệu cơm gắp mắm” vì những thiếu thốn và khó khăn, để rồi tất cả đã vượt qua và mang về tấm huy chương quý giá cho đoàn thể thao nước nhà, dù đó chỉ là chiếc HCB.

Nhìn những gương mặt ràn rụa nước mắt của các cô gái bắn súng vào trưa hôm qua, bỗng dưng trong tôi như vang lên câu hát “vui sao nước mắt lại trào” của nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết năm nào - nước mắt hạnh phúc chứ không phải từ đôi mắt hờn căm mang hình viên đạn nào.

Qua 3 ngày thi đấu đại hội, đoàn Việt Nam chỉ có được 1 chiếc HCĐ ở môn wushu, nên sáng qua, nhà thi đấu môn bắn súng ở khu liên hợp thể thao Aoti đã trở thành tâm điểm săn “vàng” của các phóng viên Việt Nam. Hy vọng sẽ ghi lại khoảnh khắc đoạt chiếc HCV đầu tiên, nhưng rốt cuộc chỉ “chộp” được bạc, nhưng xem ra chẳng ai lấy điều đó làm buồn. Bởi cái sự "khô hạn" huy chương của đoàn thể thao nước nhà cho tới thời điểm này, khiến các tay súng dù chỉ lấy được bạc, nhưng xem ra còn quí hơn vàng. Vậy nhưng, người viết vẫn thấy có chút gì đó đắng chát, khi nhớ đến câu thổ lộ rất thật của các thành viên đội tuyển bắn súng: “Nếu đội Trung Quốc không thi đấu, có lẽ chúng ta đã có vàng”, hay như lời tâm sự của HLV Nguyễn Thị Nhung: “Giá mà các em được đi thi đấu cọ xát quốc tế nhiều hơn, có lẽ thành tích của chúng ta đã khác…”.

Hôm qua, trong lúc chờ các nữ xạ thủ Việt Nam nhận huy chương, chúng tôi đã vài lần đứng nghiêm nhìn quốc kỳ và quốc ca của Trung Quốc và Hàn Quốc cất lên ở khu vực môn bắn súng, để rồi tự hỏi: “Chừng nào chúng ta mới được hát quốc ca và nhìn cờ tổ quốc tung bay trên bầu trời Quảng Châu nhỉ?”. Hỏi xong mà thấy nao lòng…

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục