Người đưa hộp C sủi, người góp vài bịch tã, sữa, bịch cháo, gói mì, chà bông, thuốc hạ sốt, thuốc bổ, bình nước suối…, tất cả đều mong muốn gia đình không may mắn trong chung cư mình không bị động trong môi trường cách ly. Những yêu thương, chân thành nối nhau theo từng dòng tin nhắn trong nhóm cộng đồng chung cư.
1. Khi nhìn hình ảnh các bạn bảo vệ cố sức đóng hết từng món quà nhỏ của cư dân gửi theo vào khu cách ly cho gia đình F0, tôi rưng rưng, động lòng. Những món quà nhỏ ấy thực ra rất quý vào những ngày này, khi nhiều mặt hàng trong siêu thị gần chung cư đã thiếu hụt... Không ai bảo ai, mỗi người đều muốn sẻ chia một chút. Tất cả những món quà bé nhỏ nặng tình ấy được bảo vệ dồn lại trong hai thùng carton to to.
Một bà mẹ trẻ, tay bồng tay bế, tay dắt thêm một đứa nhỏ lẫm chẫm đi theo, bên cạnh là người mẹ F0 già yếu có bệnh nền nặng của mình và bao đồ đoàn không thể không mang theo ấy. Cô ấy sẽ xoay xở thế nào để có thể có những ngày cách ly đỡ khắc nghiệt nhất cho mấy mẹ con? Chỉ nghĩ đến cảnh đó thôi, đã thấy sống mũi cay cay. Một cậu bạn trẻ trong chung cư bình luận dưới bức ảnh bảo vệ chuẩn bị đồ đi cách ly cho gia đình nhỏ, đột nhiên thốt lên: Nhìn mà muốn khóc. Thì khi ấy, nước mắt tôi rơi theo.
Cho tới quá nửa đêm, y tế phường không sắp xếp được chỗ để cả nhà F0 đi cách ly. Cả group chung cư nhiều người thở phào vì ít nhất thêm một đêm nay, các con không bị lạ chỗ khó ngủ, mẹ các con sẽ không phiền lòng khi gặp cảnh thiếu thốn... Qua hôm sau, chỉ bà ngoại có bệnh nền cần bác sĩ thăm khám nên phải vào bệnh viện, ông ngoại đi theo để chăm. Ba mẹ con được cách ly ở nhà, cả group chung cư cảm thấy nhẹ lòng khi mẹ và hai con nhỏ không phải ôm nhau vào khu cách ly.
2. Mấy hôm trước, một anh bạn trong nhóm dân cư nhận tin bố anh mất ở Hải Phòng. Việc đi ra khỏi khu phong tỏa, dịch giã về quê chịu tang cha lúc này là bất khả thi. Việc bày biện một bàn thờ vọng để anh cúng bố sao cho không quá sơ sài, tủi thân cũng đã là nhiệm vụ khó. Vì lúc này, ban ngày đường Bùi Văn Ba (quận 7) còn vắng bóng người, cửa tiệm đóng hết cả chứ nói chi lúc nửa đêm.
Tôi sực nhớ ra chị Cầm, ở chung trong chung cư thi thoảng chụp những đóa hoa hồng rất đẹp chia sẻ trên Zalo. Bình thường hai chị em chào dăm ba câu khi gặp ở thang máy vì căn hộ tôi ở cuối dãy, chị ở đầu dãy. Ngoài những giao tiếp tối thiểu ấy là những thả tim trên Zalo nhau nên tình cờ biết chị có trồng hồng nơi ban công nhỏ.
Gần 11 giờ khuya, vì chẳng thể tìm đâu ra hoa để mua nên tôi đành làm đứa vô duyên gõ cửa nhà chị, xin mấy bông hoa để đưa xuống nhà người anh đang bối rối lập bàn thờ bố. Chị Cầm nhanh nhẹn cắt hoa tươi từ ngoài ban công vào. Và tôi thực lòng nói với chị rằng, những đóa hoa trên ban công của chị, với tôi là những đóa hoa tuyệt vời nhất.
Một nhóm kín được lập trên Zalo, ở đó, người mua nến, mua nhang, giấy tiền vàng, người lo mua bát nhang, trái cây… Một chị chung nhóm chu đáo đặt thêm đĩa hoa cúng với đầy các loại hoa thơm hương thắm sắc. Anh bảo vệ chung cư phát hiện ra cả dãy hoa thiên điểu đang nở rất đẹp ngoài bờ sông nên cắt thêm một bó đặt lên bàn thờ thêm phần trang trọng. Cả hai vợ chồng trẻ chịu cảnh tang gia trong dịch giã vẫn có thể ấm lòng khi có những chia sẻ từng chút của mọi người.
Hôm nọ, tôi viết trên nhật ký Zalo của mình rằng, bây giờ chỉ gỡ dây phong tỏa là hạnh phúc. Quả thực lúc ấy tôi đã chán sau ba tuần sống những ngày phong tỏa mà không có một tín hiệu nào cho thấy ngày mai hay ngày kia có thể được gỡ dây. Một anh bạn nhắn tin nói: Có khi trong phong tỏa em lại tìm thấy những hạnh phúc mà bình thường em không thể nào thấy được.
Thì đấy, rồi những ngày phong tỏa đã kết thúc, cuộc sống trở lại “bình thường mới”. Nhưng nghĩ lại, như cách những người dân quanh tôi vun vào từng chút quà nhỏ tiễn chân người bạn mà trước đó không hề quen nhau đi cách ly; cách mọi người lo từng đóa hoa, cây nến để có một bàn thờ nho nhỏ chu đáo nhất có thể… càng hiểu thêm rằng “Bán anh em xa mua láng giềng gần” chính là như những lúc này đây, khi mà những người dưng có thể bỗng rơi nước mắt vì người bạn cùng chung cư của mình gặp cảnh éo le.
Và sau những hàng dây giăng phong tỏa, hạnh phúc đến từ những sẻ chia…