Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại
Cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I theo Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, bác sĩ Phạm Duy Hoàng, công tác tại Khoa Nội thận Bệnh viện Trung ương Huế với thâm niên 20 lần hiến máu và tiểu cầu cứu người, mở đầu cuộc trò chuyện: “Chỉ mong giọt máu của mình tiếp sức cho bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử”.
Kể về lần đầu hiến máu, bác sĩ Hoàng nhớ lại, lúc ấy đang học năm thứ 2 Đại học Y Dược Huế, chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của hành động hiến máu cứu người bệnh trong giờ phút hiểm nghèo. Nhưng khi anh Hóa (người cùng quê Nghệ An, học khóa trên ở chung dãy trọ) thông báo tại Khoa sản, Bệnh viện Trung ương Huế đang cần máu để cứu một sản phụ băng huyết thì Hoàng không một phút chần chừ, tức tốc đến bệnh viện ngay trong đêm.
“Hồi hộp rồi nhìn thấy chiếc kim vừa to vừa dài mà sợ toát cả mồ hôi. Rất may hôm ấy, hai anh em đã góp được 2 đơn vị máu, giúp sản phụ qua cơn nguy kịch. Cũng từ lần ấy, qua xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của em rất cao nên em đăng ký tên mình vào danh sách ngân hàng máu sống của bệnh viện, để khi bệnh nhân cần là có mặt”. Hoàng nói thêm, làm việc tại khoa Nội thận, Bệnh viện Trung ương Huế, hàng ngày chứng kiến nhiều người bệnh đau đớn, xanh xao vì mắc các bệnh về máu nên anh thường xuyên hiến máu, tiểu cầu và tích cực vận động bạn bè, người thân tham gia.
Gần 11 giờ giờ trưa trong một ngày đầu xuân, nhiều y bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế tham gia chương trình hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” xếp hàng dài, cười thật tươi chờ tới lượt mình. Trong số những gương điển hình đi đầu trong phong trào hiến máu cứu người tại Bệnh viện Trung ương Huế hôm ấy có TS-BS Mai Văn Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh, kiêm Phó Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Trung ương Huế, người đã 15 lần hiến máu cứu người.
TS-BS Tuấn chia sẻ: “Bệnh nhân nguy cấp, cần máu gấp thì mình hiến thôi, lúc đó cứu người là quan trọng chứ không nghĩ được nhiều”. Đối với anh, lần hiến máu đáng nhớ nhất là dịp Tết năm 1998, khi anh vừa rời bệnh viện thì hay tin một bệnh nhân có nhóm máu A tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Huế bị xuất huyết tiêu hóa nặng, cần truyền máu gấp. Vội từ chối lời mời bữa tiệc tân niên của nhóm bạn thân, anh tức tốc chạy lên bệnh viện hiến ngay 350ml máu để phục vụ việc cấp cứu, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
“Bản thân mình là thành viên Ban chủ nhiệm Khoa Vi sinh hơn 10 năm nay, công việc bận rộn nhưng năm nào cũng cùng đồng nghiệp tham gia hiến máu. Đặc biệt, trong năm vừa qua, Khoa Vi sinh của mình phải nỗ lực với nhiệm vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 44.000 mẫu của các bệnh nhân và người nhà, người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và nhiều trường hợp khác tại miền Trung, song mình và các nhân viên vẫn tranh thủ thời gian tham gia hiến máu cùng các đồng nghiệp khác tại bệnh viện”, TS-BS Mai Văn Tuấn chia sẻ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động trong xã hội phải dừng hoặc chững lại, nhưng giọt máu cứu các ca bệnh nguy kịch thì không thể không duy trì. Hiểu và thương những bệnh nhân đứng giữa lằn ranh sinh tử cần từng giọt máu, nhất là nhóm máu O, A khan hiếm đến báo động, các y bác sĩ và nhân viên Trung tâm Truyền máu khu vực Huế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) không chỉ có nhiều sáng kiến trong việc vận động đồng nghiệp, người thân và tất cả những người trong cộng đồng cùng nhau hiến máu, tiểu cầu mà họ còn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để thực hiện công tác chuyên môn của một “ngân hàng máu” từ tiếp nhận, xét nghiệm sàng lọc, điều chế, bảo quản những chế phẩm máu đạt chất lượng cao. Trong hành trình đó, tất cả đều phải tuân thủ các quy trình bổ sung nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19, góp phần tạo lòng tin cho mọi người như một mệnh lệnh từ trái tim.
Tính đến ngày 19-2, lượng máu dự trữ tại trung tâm chỉ đủ phục vụ cho cấp cứu trong khoảng 3 ngày tới. Trong khi bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện sau tết tăng mạnh, kéo theo nhu cầu sử dụng máu cho điều trị tăng cao, đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. “Trước tình hình đó, ngày 19-2, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - Trái tim hồng” với 200 y bác sĩ của bệnh viện hiến máu, hiến tiểu cầu. Tại chương trình, cán bộ, viên chức của Bệnh viện Trung ương Huế còn đăng ký sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần cho “ngân hàng máu sống”, TS-BS Đồng Sĩ Sằng thông tin.
Ghi nhận những nỗ lực của đơn vị, năm 2020, Khoa Vi sinh và bản thân TS-BS Mai Văn Tuấn được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch Covid-19. TS-BS Mai Văn Tuấn còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2019; Bộ trưởng Bộ Y tế 2 lần tặng bằng khen vào các năm 2014 và 2017. Trân quý hơn, TS-BS Mai Văn Tuấn vinh dự được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú trong năm 2020. |