Giống hoa sen quý 100 cánh của Hà Nội được khôi phục và phát triển

Mỗi bông sen bách diệp hồ Tây có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Từ sen bách diệp, người dân Tây Hồ khéo léo ướp trà sen Tây Hồ là sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 diễn ra Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ (ở ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) kéo dài tới ngày 16-7, Sở NN-PTNT Hà Nội đã phối hợp UBND quận Tây Hồ và Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam.

hoi-sinh-sen-bach-diep-.jpg
Đầm sen Tây Hồ, Hà Nội

Theo đó, qua nghiên cứu của Viện Nghiên cứu rau quả, với đặc trưng 3 miền, vùng rõ rệt, Việt Nam cũng có 3 loại sen, đặc trưng cho mỗi vùng miền. Tại miền Nam có sen hồng Đồng Tháp, miền Trung có sen trắng Huế và miền Bắc có sen bách diệp hồ Tây. Đặc biệt, sen bách diệp hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.

22.jpeg
Hoa sen bách diệp hồ Tây đang được khôi phục và phát triển

Làm rõ hơn về giống sen bách diệp hồ Tây, bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết, gọi là sen bách diệp bởi 1 bông sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Từ sen bách diệp, người dân Tây Hồ khéo léo ướp trà sen Tây Hồ là sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ trở thành món quà đặc biệt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn cho gia đình, bạn bè.

4.jpg
Trà sen Tây Hồ là một trong những đặc sản của Hà Nội

Tuy nhiên, những năm qua, do đô thị hóa nhanh nên diện tích trồng sen hồ Tây đang bị thu hẹp. Để bảo tồn và phát triển giống sen bách diệp quý giá, quận Tây Hồ đang triển khai thực hiện Đề án khôi phục trồng sen bách diệp tại 18 hồ trên địa bàn. Đồng thời, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu về tiềm năng, lợi thế, vai trò của việc trồng sen, qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa làng nghề trên địa bàn quận.

444988848_3667254816850030_5601411232020698984_n.jpg
Hà Nội đang thực hiện việc bảo tồn và phát triển nhiều giống sen quý

Trong khi đó, Sở NN-PTNT Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông thành phố phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội do Viện tuyển chọn qua việc lai tạo, nhập nội giống. Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó, bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Cũng nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên hiện nay thành phố có nhiều giống sen mới, giúp mùa sen ở Hà Nội kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.

TP Hà Nội hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các quận, huyện như: Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Quốc Oai… Hà Nội cũng có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành.

Trong đó, có 18 sản phẩm từ sen được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đặc biệt, sản phẩm khăn lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất là sản phẩm 5 sao và được Chính phủ sử dụng làm quà tặng nhiều nguyên thủ các quốc gia.

Tin cùng chuyên mục