Nói về lý do nghỉ việc, Đông Lương cho biết: “Tôi đã làm việc gần như kiệt sức nhưng vẫn cảm thấy tương lai của mình ngày càng mờ mịt. Nghỉ việc để chọn lựa công việc khác phù hợp với khả năng của mình là điều cần thiết trong thời điểm này”.
Suy nghĩ của Đông Lương cũng là suy nghĩ của nhiều thanh niên Trung Quốc khi họ đắn đo về văn hóa làm việc “996”. Đây là cách người Trung Quốc gọi lịch làm việc 12 giờ/ngày (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối), 6 ngày/tuần. Luật Lao động Trung Quốc cấm các công ty bắt nhân viên phải làm việc hơn 40 giờ/tuần. Do đó, nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên ký hợp đồng với điều kiện lịch làm việc linh hoạt. Văn hóa làm việc 996 gây nhiều tranh cãi do đi ngược với xu hướng trên toàn thế giới là rút ngắn thời gian làm việc hàng ngày. Hậu quả là người lao động không ngủ đủ giấc, năng suất lao động cũng không cao.
Không chỉ những sinh viên mới tốt nghiệp mà ngày càng có nhiều tài năng trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài chọn trở về Trung Quốc làm việc trong các cơ quan nhà nước, dù họ đã có lời mời làm việc ở hải ngoại.
Theo Sarah, một du học sinh chọn trở về nước trước dịch, làm việc cho công ty tư nhân, nhất là công ty nước ngoài, không phải lúc nào cũng được hưởng nhiều phúc lợi. Hơn nữa, người lao động có thể đối mặt với nguy cơ bị sa thải bất cứ lúc nào, hoặc công ty buộc phải đóng cửa vì phá sản.
Theo South China Morning Post, năm 2021 sẽ chứng kiến số lượng lớn các ứng viên tham dự kỳ thi tuyển công chức được tổ chức khắp đất nước vào cuối năm. Hơn 1,58 triệu hồ sơ đã được nộp, tăng so với năm ngoái là 1,57 triệu và cao hơn nhiều so với con số gần 1 triệu ứng viên hồi năm 2019. Tuy nhiên, thi tuyển vào công chức vốn là kỳ thi không hề dễ dàng. Mỗi năm, Trung Quốc chỉ tuyển dụng 25.700 công chức làm việc cho 79 cơ quan trung ương và 23 tổ chức trực thuộc trung ương.
Sự quan tâm gia tăng của giới trẻ đối với công việc ở các cơ quan nhà nước dù đối mặt với tỷ lệ cạnh tranh cao, cho thấy đây cũng là thách thức trên thị trường lao động Trung Quốc trong thời dịch. Theo Bác Trương, nhà phân tích ở Công ty Tư vấn TS Lombard, vào thời kỳ thất nghiệp hàng loạt, các cơ quan của chính phủ là nơi tốt nhất để làm việc vì họ cung cấp “chén cơm sắt” (cụm từ người Trung Quốc ám chỉ đến công việc ổn định ở các cơ quan nhà nước).
Chọn làm việc ở các cơ quan nhà nước còn nằm ở các phúc lợi hào phóng từ trợ cấp nhà ở cho đến trợ cấp lương hưu. Nhiều người quan niệm rằng, công việc nhà nước không thể làm giàu nhưng bảo đảm cho cá nhân một cuộc sống thoải mái. Thu nhập tại các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung Quốc hiện đã được cải thiện rất nhiều.
Ở thành phố Thâm Quyến, một trong những đô thị giàu nhất Trung Quốc, người lao động làm việc tại cơ quan hành chính có mức thu nhập trung bình hàng năm lên tới 300.000 nhân dân tệ (46.700 USD). Trong khi đó, tại hầu hết các doanh nghiệp tư nhân, nơi sử dụng số lượng lao động lớn nhất Trung Quốc, không thể cung cấp các gói phúc lợi tốt khi họ còn xoay xở ứng phó sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường trong nước lẫn quốc tế và một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.