Hàng triệu lượt người nghe
Không ai rõ nhạc chế xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng những bản nhạc hay ra đời, được mọi người đón nhận thì sau đó rất dễ xuất hiện những bản chế ăn theo. Đặc biệt khi công cụ thu, phát âm thanh và hình ảnh trở nên phổ biến, nhất là mạng xã hội, YouTube phát triển với tốc độ chóng mặt, giới trẻ nắm bắt lợi thế này để tìm cho mình một sân chơi mới bằng cách thu âm những bài hát với lời tự chế rồi tung lên mạng, thu hút hàng triệu lượt người nghe.
Lấy cảm hứng từ các vấn đề nóng trong giới trẻ, Vũ Duy Minh và Phạm Hải Ninh (17 tuổi, ở Hà Nội) hiện đang là những cái tên đình đám, được nhiều bạn trẻ biết đến khi tung ra hơn 20 sản phẩm là những bài hát chế lời.
Chỉ sau vài tuần ra mắt, những bài nhạc chế của Minh và Ninh thu hút hàng triệu lượt nghe như bài Em gái mưa - diễn biến thực sự chế từ bài Em gái mưa của Hương Tràm; Nơi này có cô chế từ Nơi này có anh của Sơn Tùng M-TP với 2 triệu lượt nghe; Despacito phiên bản thi đại học, ra mắt đúng mùa thi với 10 triệu lượt nghe; Bao giờ lấy chồng, cán mốc 15 triệu lượt nghe. Mới đây, giới trẻ “nức nở” với bản chế Tuổi thơ dữ dội của Nhật Anh Trắng chế từ bài Aloha, liệt kê hàng chục trò chơi thời thơ ấu của lứa tuổi 7X, 8X, thu hút gần 1 triệu lượt nghe…
Dĩ nhiên, bên cạnh những bản nhạc chế vô thưởng vô phạt, chỉ nhằm mục đích tạo tiếng cười, thì hiện nay giới trẻ còn hướng đến những bản nhạc chế phản ánh thực trạng xã hội.
Bài Showbiz thời nay của Hồ Minh Tài, dựa trên nền nhạc của Đám cưới quê, với những ca từ sắc bén, nói về không ít bạn trẻ hiện nay bất chấp mọi cách để bước chân vào showbiz; Người tình rượu bia, Em gái có bầu của Đặng Thanh Tuyền chế từ bài Người tình mùa đông và Em gái mưa, phản ánh lối sống buông thả, thực dụng của một bộ phận giới trẻ.
Phạm Thanh Trà Anh (sinh viên Đại học KHXH-NV) tâm sự: “Mình ít khi nghe nhạc nhưng lại đặc biệt thích thể loại nhạc chế, nhất là những bài với ngôn ngữ dí dỏm, tưng tửng và rất thật. Ở đó, mình tìm được niềm vui từ những hình ảnh thời thơ ấu vọng về hoặc đơn giản là thấm những lời phê phán thẳng thắn bởi các “trò lố” của chính những người trẻ để tự răn mình”.
Bản thân nhạc chế đã mang hàm nghĩa là châm biếm, vì vậy nên hay không việc giới trẻ sử dụng những ca khúc đi cùng năm tháng lịch sử của đất nước để chế lời, cốt mua vui? Khi giới trẻ hả hê với những bản chế và đánh giá “chuẩn đến từng chi tiết” thì không ít người lớn thầm buồn khi những giai điệu quen thuộc vang lên một cách không như những gì mà cả tác giả và người yêu nhạc mong muốn.
“Tôi thấy buồn khi đâu đâu cũng nghe các bạn trẻ hát Hà Nội mùa này phố cũng như sông. Sấm chớp đằng Đông, em bên Tây, em lo nước ngập chế từ bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa; hay mới đây nhất là nhạc chế bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây liên quan đến vụ BOT Cai Lậy - Tiền Giang… Những bài hát ấy, bao năm qua đã đi vào tiềm thức của người Việt với ý nghĩa thiêng liêng, cho nên đừng quá lạm dụng chỉ để chế nhạc câu view”, anh Trần Bá Toàn (ngụ quận 5) than phiền.
Chế nhạc là một hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quyền tác giả. Nếu chế nhạc để hát vu vơ, để mang lại tiếng cười cho một nhóm người nhất định, trong một thời gian nhất định thì không bàn. Nhưng hiện nay, những bản nhạc chế đã xuất hiện trên truyền hình, trên Internet, được lưu truyền trong xã hội và nhắm đến mục đích thương mại thì không thể chấp nhận được, nhất là khi giới trẻ ưng bài nào thì chế bài đó, phớt lờ sự tồn tại của “cha đẻ” những bài hát đó. Mỗi bản nhạc có giá trị thẩm mỹ riêng, việc chế lời khác cho bản nhạc không chỉ thiếu tôn trọng tác giả mà còn làm méo mó đi ý nghĩa thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Việc truyền thông và xã hội quá lạm dụng, quá dễ dãi cho thể loại nhạc chế tồn tại và ngày càng phát triển như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc cảm thụ âm nhạc cũng như làm giảm giá trị của nó trong đời sống tinh thần .