Giới trẻ học cách đối phó tin giả

Trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với dịch Covid-19, thanh thiếu niên Luxembourg không thoát khỏi sự lan truyền của những thông tin sai lệch xung quanh đại dịch. Nhưng không giống những người lớn tuổi, lớp trẻ được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với chúng.

Những tác động bất lợi liên quan đến vaccine phòng Covid-19, những biện pháp hạn chế quyết liệt áp đặt đối với những người không tiêm chủng, sự xuất hiện của một biến thể mới..., những thông tin này ảnh hưởng đến cảm xúc của mọi người. Được chia sẻ trên mạng xã hội, thông tin trên đôi khi hoàn toàn không chính xác nhưng lại được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã thực sự đi kèm với sự lây lan của một loại virus thứ hai - đó là virus sai lệch thông tin. Kể từ khi bắt đầu năm học mới, 18 trường trung học ở Luxembourg đã triển khai các khóa học “khoa học kỹ thuật số” nhằm giúp học sinh đối phó với nạn tin giả.

Giới trẻ học cách đối phó tin giả ảnh 1 Các học sinh ở Phần Lan thực hiện phân biệt tin giả và tin sai lệch

Bà Karin Weyer, Giám đốc của Trung tâm chống cực đoan hóa Respect.lu, chia sẻ: “Thông tin sai lệch luôn luôn có. Nhưng bây giờ, với mạng xã hội, chúng được hiển thị nhiều hơn”. Đây cũng là lý do khiến trung tâm này mở một khóa đào tạo mới cho nhân viên trường học và các nhà giáo dục từ tháng 9 vừa qua.

Sau khi được đào tạo, các chuyên gia giáo dục có thể dễ dàng trò chuyện hơn với học sinh, sinh viên của mình để giúp họ phát triển tư duy phản biện khi đối mặt với thông tin được lan truyền. Bà Weyer giải thích: “Điều quan trọng là phải nói về nó, làm việc với những người trẻ tuổi về thông tin sai lệch là gì và những gì chúng ta có thể hoặc không thể nói trên mạng xã hội, vì họ là những người sử dụng hàng ngày”.

Trưởng nhóm phụ trách các dự án đào tạo Carmen Michels cho biết, số lượng liên quan đến thông tin sai lệch về đại dịch tăng cao nên chương trình được thiết kế chú trọng vào việc nhận biết chính xác tin giả. Với tiêu đề “Kiểm tra sự thật của bạn”, khóa đào tạo được xây dựng và liên tục cập nhật về tin tức giả mạo liên quan đến đại dịch Covid-19. Nhờ đó, giới trẻ Luxembourg nắm được những điểm chính để phân biệt tin tức sai lệch.

Mặc dù việc nâng cao nhận thức này có thể được thực hiện trong suốt cả năm, lồng ghép vào các môn học khác nhau trong chương trình giảng dạy cho học sinh, nhưng việc mở một khóa học mới chuyên về tin giả ngay từ đầu năm học có ý nghĩa đặc biệt hơn.

Theo bà Claire Flammang, điều phối viên của chương trình, “thực tế là có rất nhiều trường trung học thí điểm chương trình, cho thấy rõ ràng nhu cầu đào tạo mạnh mẽ về lĩnh vực này”. Cùng với robot, trí tuệ nhân tạo hoặc thậm chí trao đổi dữ liệu, chủ đề thông tin và thông tin sai lệch được thảo luận với các học sinh. Đây cũng là cách giáo dục học sinh trung học về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số.

Không chỉ Luxembourg, Italy và Phần Lan cũng từng đưa các khóa học chống tin giả vào tất cả các trường tiểu học và trung học trên cả nước. Laura Boldrini, người giúp chương trình ở Italy thành hiện thực, nói với tờ New York Times: “Tin giả đầu độc thông tin trên web và cuối cùng chúng ta bị nhiễm độc mà không hề hay biết. Phải trang bị cho giới trẻ kỹ năng tự bảo vệ trước những lời dối trá”.

Các học sinh được những nhà báo kỳ cựu từ đài truyền hình quốc gia chỉ dẫn cách chống tin giả. Các em sẽ được nhận một bảng các điều răn để chống tin giả như: Không chia sẻ tin chưa kiểm chứng; truy nguồn thông tin và bằng chứng; mạng và mạng xã hội có thể bóp méo thông tin…

Tin cùng chuyên mục