Tình cờ tôi nghe được một bài hát có giai điệu rất hiện đại, với đoạn rap có phần nội dung hơi khó lọt tai. Tôi lên mạng tìm thử lời thì vẫn chưa hiểu lắm cách ví von chuyện tình cảm của anh nhạc sĩ này: “Anh ví mình chó với xương, nhưng mà tình cảm sao để cho chó ăn”. Phải chăng xu hướng nghe nhạc của giới trẻ ngày nay đã khác hay tôi không đủ “trẻ” để có thể nghe được những lời bài hát như thế này?
Nhạc trẻ hấp dẫn người nghe bởi tính sôi động, phù hợp với xã hội hiện đại qua các thể loại pop, ballad, R&B, hiphop… Tuy nhiên, vì mải chạy theo thị trường mà nhiều ca khúc mất đi tính nghệ thuật và gây ảnh hưởng xấu tới thị hiếu âm nhạc của một bộ phận giới trẻ. Bên cạnh đó, từ khi thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện dòng “nhạc teen” - chính là con đẻ của dòng “nhạc mạng”, với ca từ dễ dãi, kết hợp với việc ăn mặc hở hang, uốn éo trên sân khấu của một số ca sĩ trẻ, thị hiếu nghe nhạc của một bộ phận giới trẻ càng đáng báo động.
Kiểu sáng tác, biểu diễn dễ dãi này tấn công vào thị trường âm nhạc trong khi đối tượng tiếp nhận lại là số đông, ở nhiều độ tuổi, không phải ai cũng dễ dàng chọn cho mình một gu âm nhạc đúng đắn. Nhiều sáng tác mới đang đi theo hướng nghiệp dư hóa và chính sự ồ ạt này đã làm thị trường âm nhạc đi thụt lùi. Ai cũng biết mỗi tác phẩm âm nhạc cần chuyển tải thông điệp, ý nghĩa nào đó về tình yêu, cuộc sống..., phải mang giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, giáo dục, tuy nhiên những bài hát sáo rỗng về ca từ, nhảm về giai điệu, nghèo về ý tưởng... vẫn sống vì có khán giả.
Nếu như ngày trước, Làn sóng xanh là bảng đo “nhiệt độ” các bài hát, tạo nên sự phát triển phong phú với các ca khúc có chất lượng, ca từ trau chuốt, giai điệu dễ nghe gắn cùng các ca, nhạc sĩ gạo cội, thì ngày nay giới trẻ đang được nghe và ngấm các “ca khúc trẻ” với ca từ dội tai được các nhạc sĩ trẻ viết ra. Càng lạ hơn, khi những bài hát này có lượng người xem khá đông trên các trang chia sẻ video.
Với xu hướng thưởng thức âm nhạc và sự cạnh tranh dữ dội trên top trending ở các bảng xếp hạng thì liệu những tác phẩm âm nhạc mang tính dân tộc, dân gian truyền thống có bị giới trẻ và xã hội lãng quên, trong khi nhạc thị trường và dòng nhạc từ các quốc gia khác đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị hiếu âm nhạc của người nghe?
Trên thực tế, việc tiếp thu tinh hoa văn hóa, âm nhạc từ các nước trên thế giới nói chung và Hàn Quốc nói riêng là điều đáng khích lệ, để kích thích sự sáng tạo của người trẻ. Nếu như thông qua âm nhạc mà giới trẻ Việt Nam có cái nhìn tươi mới hơn về văn hóa, về thẩm mỹ, thời trang hay làm việc nghiêm túc, hiệu quả, lối sống lành mạnh hướng tới cộng đồng, cư xử lịch sự, có văn hóa... thì đó là điều cần phát huy. Còn nếu lai căng để được “nổi tiếng” thì chính người tiếp nhận sản phẩm phải là người tẩy chay đầu tiên những sản phẩm này!