Cần sự tham gia tích cực
Thông điệp năm nay được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện các dự báo cho rằng tình trạng mất an ninh lương thực có nguy cơ trầm trọng hơn trong đại dịch.
Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định, thanh niên đang ở tiền tuyến của cuộc đấu tranh xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Đại dịch Covid-19 đã nêu bật nhu cầu thiết yếu về sự thay đổi mang tính chuyển đổi và thanh niên phải là đối tác đầy đủ trong nỗ lực đó.
Năm 2021 cũng là năm đầy hứa hẹn để thanh niên có cơ hội được lên tiếng, được lắng nghe và được đóng góp tích cực vào việc thiết kế các hệ thống lương thực thích ứng với khí hậu trong tương lai.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới dự kiến được tổ chức tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) vào tháng 9 tới, Tiến sĩ Agnes Kalibata, đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ, nhấn mạnh, hội nghị sẽ không thể được tổ chức thành công nếu không có sự tham gia của thanh niên.
Nhân sự kiện trên, nhiều hoạt động đã được tổ chức nêu bật sự đóng góp của thanh niên trong mọi mặt của xã hội. Tại Ấn Độ đã diễn ra lễ trao giải thưởng cho 22 sáng kiến của thanh niên trong lĩnh vực phát triển các dịch vụ xã hội.
Tại Iraq diễn ra diễu hành bằng xe đạp nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững hơn.
Tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain, giới chức lãnh đạo đăng tải thông tin chức mừng sự kiện trên mạng xã hội, kêu gọi sự đóng góp tích cực hơn nữa của giới trẻ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Các tổ chức xã hội trên thế giới cũng đồng loạt hưởng ứng sự kiện, gửi đến những thông điệp khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp và tích cực đóng góp vào các chương trình xã hội của đất nước.
Nhiều sáng kiến hỗ trợ
Châu Phi, nơi vấn đề an ninh lương thực được đặt lên hàng đầu, đã nhận được nhiều sáng kiến hỗ trợ dành cho giới trẻ.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), từ năm 2019 đến nay, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Rockefeller và tập đoàn Microsoft, hơn 130.000 thanh niên đã tham gia vào các khóa học trực tuyến đào tạo về công nghệ thông tin, hướng dẫn khởi nghiệp. Các khóa học này là một phần trong kế hoạch hỗ trợ phát triển châu Phi thoát khỏi cuộc chiến đói nghèo và nâng cao việc phát triển khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông nghiệp.
Trên thế giới đã có nhiều nhà sáng chế trẻ hướng đến giải quyết các thách thức đối với hệ thống lương thực. Trong số đó có Kehkashan Basu, 21 tuổi, nhà hoạt động môi trường người UAE, một thủ lĩnh thanh niên của Liên minh Hành động bình đẳng thế hệ.
Kehkashan Basu đã tiến hành chuyển đổi các phương thức nông nghiệp truyền thống thành những phương pháp mang lại năng suất cao hơn và duy trì cân bằng môi trường. Quỹ Hy vọng Xanh do cô sáng lập đã hỗ trợ nhiều người dân ở các ngôi làng nghèo tại Bangladesh, giúp đỡ những người mất thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch.
Khuyến khích giới trẻ tham gia vào các sáng kiến về an ninh lương thực thông qua việc đầu tư cũng được cho là một giải pháp hiệu quả. Tại Singapore, chính phủ tuyên bố sẽ tài trợ cho các doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, khuyến khích việc mở các trang trại thương mại quy mô lớn.
Thời gian gần đây, giới trẻ nước này đưa ra nhiều ý tưởng nuôi trồng thực phẩm tận dụng mọi ngõ ngách, không gian trong đô thị: Từ mái nhà bãi đậu xe đến các khoảng trống trên nóc các tòa nhà cao tầng đều được tái sử dụng và lắp đặt trang thiết bị để phục vụ sản xuất thực phẩm.