Trước đó, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, Bảo tàng Hồ Chí Minh chưa thể chủ trì phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Sở VH-TT TPHCM và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề trên vào tháng 6-2021.
Theo ban tổ chức, hội thảo có 128 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đó là những bài viết chất lượng, thể hiện quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các tác giả.
Để đánh dấu ý nghĩa đặc biệt của sự kiện kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, ban tổ chức hội thảo quyết định lựa chọn 110 bài trong tổng số các bài tham luận để xuất bản kỷ yếu. Con số 110 bài tham luận của cuốn kỷ yếu cũng chính là món quà tri ân, thể hiện tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn của các cơ quan đồng tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước - Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” với gần 1.000 trang tái hiện một cách chân thực và đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, cũng như ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, các tham luận trong kỷ yếu có hàm lượng khoa học cao, cung cấp thêm nhiều luận chứng, luận cứ, bổ sung nguồn tư liệu mới có giá trị, làm sâu sắc thêm những vấn đề có liên quan đến 4 chủ đề chính: Từ thành phố này Người đã ra đi, Hành trình tìm đường cứu nước, Người đi tìm hình của nước và Hồ Chí Minh sống mãi.
Khẳng định ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại
Trong chủ đề thứ nhất, từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học đã cung cấp những tư liệu, dẫn chứng khoa học nhằm phân tích, lý giải làm sáng tỏ và sâu sắc thêm về những nhân tố khách quan, chủ quan hình thành nên quyết tâm và dẫn đến quyết định lịch sử: đi ra nước ngoài để tìm đường cứu nước, cứu dân của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Đồng thời làm rõ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, là động cơ thôi thúc, đồng thời cũng là hành trang mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành mang theo trên hành trình vạn dặm của mình. Trong đó, nổi bật là văn hóa cội nguồn của quê hương xứ Nghệ, những điều “mắt thấy, tai nghe” tại Huế và thành phố Sài Gòn - là nơi kết tụ hoài bão cách mạng, là điểm mở đầu hành trình tìm đường cứu nước vĩ đại của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ở chủ đề Người đi tìm hình của nước, các tham luận đã phân tích, làm sáng tỏ những nhận thức của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc về thế giới và kẻ thù dân tộc, về con đường từ người thanh niên yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế, cũng như những hoạt động, cống hiến của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với vai trò là người khai tâm, mở đường và dẫn lối, đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Từ nhiều phương diện khác nhau, các tham luận đều khẳng định: Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam là con đường duy nhất đúng, đảm bảo cho dân tộc ta có nền độc lập thực sự, đất nước ta phát triển ổn định, phồn vinh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là con đường phát triển đất nước phù hợp với quy luật và xu thế thời đại.
Chủ đề Hồ Chí Minh sống mãi cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu. Các tham luận không chỉ làm rõ tình cảm của nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn phân tích, làm rõ sự cấp thiết, tầm quan trọng của việc lưu giữ, phát huy giá trị những di tích, địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sài Gòn - TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, cũng như việc phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới; nhằm góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa di sản tư tưởng và tấm gương đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các thế hệ người Việt Nam ở trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế.