Nhiều chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh đã dự đoán rằng những quốc gia như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha - vốn là những nơi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh - sẽ vươn lên từ đại dịch trước tiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao và cơ chế miễn dịch tự nhiên ở những người đã mắc bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, virus SARS-CoV-2 có khả năng biến hóa khôn lường, khi lây lan qua những người chưa được tiêm chủng.
Dù không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ virus SARS-CoV-2 đột biến đến mức có thể xuyên thủng hệ miễn dịch, nhưng các nhà khoa học cũng tin tưởng rằng nhiều quốc gia sẽ vượt qua thời điểm tồi tệ nhất về đại dịch này sau năm 2022. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm chủng.
Theo ông Trevor Bedford - một nhà virus học thuộc Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục đột biến. Do đó người dân cần tiêm chủng hàng năm để có sự phòng vệ phù hợp nhất đối với các biến thể mới của virus này.