Trong những tranh cãi, nhiều khán giả đặt câu hỏi: liệu Trạng Tí phiêu lưu ký có giữ nguyên nguyên tác của bộ truyện Thần đồng đất Việt không? Đặc biệt, hình ảnh bổ tử (miếng vải thêu lên áo) với bản đồ Việt Nam trên áo của Trạng Tí được thay đổi bằng hình ảnh cá chép vượt vũ môn tạo nên làn sóng trái chiều sôi nổi.
Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ban đầu anh từ chối làm đạo diễn bộ phim bởi yêu cầu của phía nhà sản xuất là phải giữ đúng nguyên tác truyện. Là người làm sáng tạo, anh cho rằng không có lý do gì để làm lại các tích truyện đã quá quen thuộc ấy và nó chỉ phù hợp cho dạng sitcom, phim ngắn.
Khi trao đổi với Công ty Phan Thị, đạo diễn khẳng định nếu buộc phải giữ đúng nguyên tác, sự hợp tác sẽ phải dừng lại. Cuối cùng, anh được quyền phóng tác nhưng vẫn giữ tính cách quan trọng của nhân vật. Việc thay đổi chi tiết bổ tử của Trạng Tí từ bản đồ sang cá chép cũng được giải thích rõ ràng.
“Mình phải làm gì: làm đúng lịch sử, để Trạng Tí mặc bổ tử bản đồ một nửa đất nước, hay làm theo truyện và sai lịch sử?”, anh đặt câu hỏi.
Từ câu chuyện của Trạng Tí phiêu lưu ký đặt ra một vấn đề mà những tranh luận chưa bao giờ đi đến hồi kết - tác phẩm chuyển thể hay phóng tác từ các tác phẩm văn học sẽ được sáng tạo đến đâu? Bê nguyên câu chuyện đã quá quen thuộc với khán giả lên màn ảnh rộng, hay được quyền sáng tạo nhằm mang đến những tươi mới cho khán giả?
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, khi thực hiện bộ phim Cô gái đến từ hôm qua, anh có gặp gỡ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và được cho phép toàn quyền sáng tạo theo ý đồ của mình. Kết quả là, bộ phim có thêm nhiều tình tiết mới, nhân vật mới so với bản gốc. Tương tự, Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ cũng chỉ giống khoảng 60% so với nguyên tác.
Văn học luôn luôn là chất liệu tuyệt vời cho điện ảnh. Một tác phẩm văn học được công chúng yêu mến luôn có đời sống riêng. Đó không thể là sự “sao chép” một cách máy móc, mà cần có đời sống riêng và lớp khán giả riêng. Do đó, đừng nên và không bao giờ kìm hãm sự sáng tạo.
Vấn đề quan trọng nhất đặt ra ở đây là, quá trình chuyển thể làm sao giữ đúng tinh thần tác phẩm, không xuyên tạc hay làm mất đi giá trị tốt đẹp của nó. Chuyển thể từ văn học lên phim luôn là con dao hai lưỡi. Nó cần cái tâm, cái tầm và cả sự táo bạo của nhà làm phim...