Chiều 7-11, tại Ninh Bình, Bệnh viện Bạch Mai, Phân hội Cấp cứu Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Cấp cứu quốc tế, Trường Đại học Y Hà Nội đã họp báo giới thiệu về Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu năm 2018 với chủ đề “Giờ vàng trong cấp cứu bệnh nhân nặng” diễn ra từ ngày 6 tới 9-11, tại Ninh Bình.
Theo PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Chủ tịch Phân hội Cấp cứu Việt Nam, Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cấp cứu là một chuyên ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn nhất của y học lâm sàng, người cán bộ làm công tác cấp cứu luôn phải chạy đua với thời gian, với "giờ vàng" để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh.
Sự khó khăn, khắc nghiệt đó đòi hỏi người cán bộ làm công tác cấp cứu phải có tinh thần trách nhiệm cao, kiến thức vững vàng và một mô hình tổ chức cấp cứu hiệu quả…
Sự phát triển mạnh mẽ của các khoa cấp cứu đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chuyên ngành phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và ngược lại các chuyên ngành lâm sàng cũng hỗ trợ cho chuyên ngành cấp cứu thực hiện được nhiều kỹ thuật can thiệp cấp cứu chuyên sâu.
Khái niệm “giờ vàng” đã được sử dụng nhiều trong tình huống cấp cứu như đột quỵ não cấp, hội chứng vành cấp, sốc nhiễm khuẩn và cấp cứu chấn thương thảm họa, giờ vàng trong quản lý bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn, giờ vàng trong cấp cứu hô hấp. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản để đạt được thành công này là tính thời điểm của các can thiệp.
Bỏ lỡ “giờ vàng” đã được chứng minh là nguyên nhân của kết cục điều trị tồi trên nhiều bệnh lý cấp cứu. Vai trò tối thượng của nhân viên cấp cứu là cứu sống tính mạng bệnh nhân do đó hiểu về ý nghĩa của thuật ngữ thời điểm cũng như giờ vàng vô cùng quan trọng.
Thêm vào đó, triết lý này không chỉ áp dụng cho hệ thống cấp cứu mà còn được áp dụng cho toàn bộ hệ thống y tế.
“Giờ vàng là những mốc, tiêu chí được đặt ra để người bác sĩ phấn đấu thực hiện nhằm mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho người bệnh…”, PGS.TS Nguyễn Đạt Anh nêu rõ.
Trong khi đó, GS Paul Kivela, Chủ tịch Hội Cấp cứu Mỹ cho biết, y học cấp cứu trên thế giới có vai trò đặt biệt quan trọng, ở Mỹ cứ 2 người thì có 1 người phải vào bệnh viện cấp cứu 2 lần/năm và khi vào cấp cứu người bệnh không cần biết lý do nào mà người bệnh đều mong muốn được cấp cứu nhanh nhất nên là áp lực rất lớn đối với bác sĩ. Do đó, tại Mỹ nghề cấp cứu là nghề danh giá nhất.
GS Paul Kivela cũng đánh giá cao hệ thống cấp cứu của Việt Nam với một số trung tâm lớn có chất lượng hoạt động không kém gì nhiều nước phát triển.
Tuy nhiên Việt Nam cần đưa ra một chiến lược về phát triển hệ thống cấp cứu phù hợp với hoàn cảnh, tập trung phát triển hệ thống cấp cứu trước viện, nhất là ở vùng sâu vùng xa song đây là công việc không đơn giản đòi hòi sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng và chính quyền.
Về phía Hội cấp cứu Mỹ sẽ tiếp tục có những giúp đỡ cho Việt Nam về việc cập nhật các kiến thức cấp cứu tiến bộ của thế giới.
Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu năm 2018 có gần 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế (trong đó có 700 học viên tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực cấp cứu). Đặc biệt tại hội nghị, sẽ có hơn 60 báo cáo được trình bày bởi các chuyên gia về cấp cứu đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... tập trung những nội dung chuyên sâu như: giờ vàng trong chăm sóc trước viện, giờ vàng trong thảm họa y học, chăm sóc chấn thương, chăm sóc hô hấp, siêu âm, xét nghiệm cấp cứu... |