Giỗ Tổ

Giỗ tổ Hùng Vương đã được xác định là quốc giỗ. Trăm họ trên dải đất hình chữ S thân yêu và bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về đất tổ tri ân tổ tiên. Giỗ tổ từng dòng họ, theo chúng tôi cũng là việc nên làm. 
Dâng hương trong lễ giỗ Tổ
Dâng hương trong lễ giỗ Tổ
Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm và mở cõi. Tương truyền, thuở hồng hoang ông cha ta luôn bị các thế lực phương Bắc chèn ép và xâm lấn, nên vừa chống giặc ngoại xâm, vừa phải mở cõi về phương Nam. Vì thế, đất nước ta có 3 miền rõ rệt. Miền Bắc gia giáo, khuôn thước. Miền Trung chỉn chu, tằn tiện. Miền Nam phóng khoáng, bay bổng. Cũng tương truyền, xa xưa, khi các cụ tổ mở đất, bao giờ cũng giữ con cả ở lại “tổng hành dinh” lo giữ lề, giữ nếp; Con thứ hành phương xa. Có lẽ thế, ở miền Bắc, anh cả là người đứng đầu; còn ở miền Nam, anh hai là người “lớn” nhất.
Khi đất nước chiến tranh, kinh tế khó khăn, xa xôi cách trở, các nền văn hóa vùng miền chưa có sự giao thoa, hợp nhất. Hòa bình, kinh tế phát triển, nhất là những năm gần đây, khi công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống người dân nâng lên rõ rệt, văn hóa ba miền khởi sắc, giao thoa. Tiền nhân có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”; “có thực mới vực được đạo” là hoàn toàn có cơ sở. Con Rồng cháu Tiên bay xa bay cao khắp mọi miền đất nước, nay có dịp về quê cha đất tổ, thăm lại cố hương, cúng bái tổ tiên, góp công, góp của xây dựng nơi chôn nhau cắt rốn.
Trước kia còn bận bịu công tác, tôi ít có dịp về quê giỗ tổ họ Trần hoặc dự các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nay, thảnh thơi hơn, dường như năm nào tôi cũng về quê dự các sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh, đậm đặc bản sắc dân tộc. Nhiều lần thắp nhang trước bàn thờ thân phụ, tôi thầm cảm ơn người đã chọn ngày “quy tiên” thật ý nghĩa. Thế kỷ trước, đất nước có chiến tranh liên miên, cũng như bao nhiêu gia đình khác, bố mẹ tôi liên tiếp gửi những đứa con thân yêu ra mặt trận hoặc vào phục vụ trong quân đội. Tính ra cả con trai, con gái, dâu, rể, gia đình chúng tôi có tới hơn 20 người phục vụ trong lực lượng vũ trang, trong đó có nhiều người trực tiếp tham gia kháng chiến và một người đã hy sinh tại chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đâu cũng là quê hương, những người lính Cụ Hồ gắn bó với nơi mình chiến đấu, công tác và chọn nơi đơn vị đóng quân làm quê hương thứ hai của mình. Chỉ riêng trên đất Nam bộ, gia đình tôi đã có vài chục người thuộc nhiều thế hệ sinh sống, làm ăn. Có phải thế không, thân phụ tôi đã chọn đúng dịp giỗ tổ và gần ngày giỗ em trai liệt sĩ của tôi để “ra đi”. Do vậy dù đi xa về gần, đúng dịp những đợt gió heo may từ phương Bắc tràn về, trong tiếng trống hội rộn rã xóm thôn, anh em, con cháu chúng tôi lại hồi hương lần lượt giỗ cha (12-11 AL) giỗ liệt sĩ (14-11 AL) và giỗ tổ họ Trần (15-11 AL). Theo phong tục ở quê, tôi là con trai cả phải giữ ghế “quyền huynh thế phụ”. Dẫu chúng tôi hạnh phúc còn mẹ, nhưng vai trò của anh cả vẫn được thể hiện với sự quyết đoán, chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Do tôi đi công tác xa quê lâu năm nên chú em thứ của tôi là một bác sĩ - chủ nhiệm khoa, được giao thế tục. Dù bận công tác nhưng em trai tôi đã nhập vai trưởng họ, chủ tế một cách xuất sắc. 
Thường giỗ tổ họ Trần ngành 7 diễn ra từ 2 đến 3 ngày. Ngày thứ nhất cúng cáo. Ngày 14-11 AL, con cháu khắp nơi về nhà thờ tổ, bài trí bàn thờ, treo đèn, cờ, kết hoa; cúng mộ tổ và làm mâm cơm tế cáo. Tối hôm ấy có lễ khuyến học, khuyến tài. Quỹ khuyến học, khuyến tài mới phát động vài năm gần đây nhưng đã có gần trăm triệu đồng. Dịp giỗ tổ này, trích lãi thưởng cho con cháu học giỏi, vượt khó vươn lên. Số lượng con cháu học giỏi, thành đạt ngày càng nhiều. Là bác cả, tôi được giao phát biểu động viên các cháu và kêu gọi tài trợ cho quỹ khuyến học. Người nhiều, kẻ ít đều đóng góp; có cả người đang công tác xa như anh Trần Thiệu (luật sư tại TPHCM) cũng gửi cả chục triệu đồng về ủng hộ. Ngày thứ 2, đúng rằm là ngày giỗ tổ. Từ 3 giờ sáng, nhóm hậu cần đã nổi lửa mổ lợn, giết gà, giã xôi (xôi nhuyễn)... làm cỗ. Bộ phận khác gồm hầu hết trai thanh, gái tú, trang phục lễ hội đậm sắc chuẩn bị cờ quạt, hương hoa, lễ vật. Đội nhạc lễ đã có mặt từ tối hôm trước. Các bản nhạc lễ quen thuộc du dương đưa mọi người vào thế giới tâm linh đầy huyền bí đã xuất hiện từ thời mở cõi. 
Bác sĩ Toàn - em trai của tôi vào vai chủ tế thật thuần thục. Trang phục đỏ, mũ mão, cân đai lấp lánh, đầy quyền uy. Nét mặt trang nghiêm, bước đi chắc nịch theo nhịp trống chầu, không ai nghĩ một bác sĩ chủ nhiệm khoa của bệnh viện huyện lại thuộc bài đến thế. Buổi họp họ diễn ra ngay sau lễ tế tổ và dâng hương của các chi họ. Chủ tế nhận xét việc họ năm qua và gợi ý công việc tới. Giọng đĩnh đạc, ấm áp, trang nghiêm trước bàn thờ tổ. Kết thúc lễ là phần thụ lộc. Tất cả những người dự cùng nhau cụng ly rượu cuối năm nhân ngày giỗ tổ, chúc sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục phát huy truyền thống cha ông góp phần xây dựng quê hương đất nước. Tôi thật bất ngờ với vai cả của mình. Mọi người xếp tôi ngồi mâm cao, vị trí trung tâm. Không nói gì những người trẻ, một số cụ cao niên, có khi hơn tôi đến vài chục tuổi, tóc bạc phơ, dáng lọm khọm vẫn đến tận nơi mời rượu. “Con mời cụ ạ. Chúc cụ sức khỏe, tiếp tục làm cây cao, bóng cả cho con cháu chúng con nương nhờ...”. Ngại chết đi được. Tôi vái tay đáp lễ. Một cụ già trong họ xua tay: “Chớ. Cụ chớ làm thế. Họ phải có hàng, có thứ. Gia đình phải có trước có sau, xã hội phải có kỷ, có cương. Thiên hạ mới bình yên, lành mạnh. Cụ cả chớ làm thế”. Tôi đành “phục tùng” uống cạn ly rượu nếp quê mà thấy lòng ấm lạ. 
Trước khi ra về, ai cũng có phần lộc tổ. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn, thường phần lộc tổ có tấm xôi nhuyễn (xôi nóng dùng chầy gỗ nhồi tan), một khúc thịt heo luộc và vài thứ trái cây. Việc ăn cỗ lấy phần là một phong tục có từ xa xưa. Gần đây, chính quyền địa phương khuyến khích người dân nên bỏ vì có nơi làm lãng phí, cầu kỳ. Theo tôi, nên cân nhắc kỹ điều này. Chỗ nào sai thì sửa. Lấy phần khi giỗ tổ có cái hay của nó, không nên bỏ; vì đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp được lưu truyền từ ngàn xưa, kể từ thời các vua Hùng dựng nước... Ngày thứ 3, làm lễ hạ rạp. Không biết từ bao giờ ở quê tôi, dựng rạp và hạ rạp đều phải có lễ cúng trời đất. Những người ở lại quê, một lần nữa thay mặt dòng họ tạ ơn tổ tiên, các bậc sinh thành, dưỡng dục; tạ ơn trời đất mưa thuận gió hòa, phù hộ độ trì cho cả họ vui vẻ, mạnh khỏe, làm ăn phát tài phát lộc... đặng góp phần cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, no ấm. 
Giỗ tổ Hùng Vương đã được xác định là quốc giỗ. Trăm họ trên dải đất hình chữ S thân yêu và bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về đất tổ tri ân tổ tiên. Giỗ tổ từng dòng họ, theo chúng tôi cũng là việc nên làm. Chỉ có điều, tránh bày vẽ rườm rà, khoa trương, lãng phí thời giờ và tiền bạc. Giỗ tổ cần thiết thực với mục đích tri ân tổ tiên, cháu con đoàn kết, động viên, chia sẻ cùng nhau góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Tôi đã tâm sự với Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Nguyễn Văn Tìm như thế, nhân bàn chuyện xây dựng nông thôn mới ở vùng đất Anh hùng “Thiện tục khả phong”, “Mỹ tục khả phong” này. 

Tin cùng chuyên mục