Không tham vọng làm công việc của những người làm công tác bảo tồn di sản, những người thực hiện dự án Sài Gòn: Gìn vàng - giữ ngọc chỉ mang trong mình kỳ vọng dự án sẽ trở thành cầu nối giúp tăng cường sự gắn kết giữa các nhà sưu tâm, nghiên cứu văn hóa với độc giả trong và ngoài nước quan tâm đến vùng đất - con người Sài Gòn xưa và nay. Nhờ đó quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản của vùng đất này.
Dự án Sài Gòn: Gìn vàng - giữ ngọc (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, do PGS-TS Nguyễn Đức Lộc chủ biên) vừa có buổi ra mắt tại Đường sách TPHCM, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Dự án được xuất bản theo dạng giai phẩm, định kỳ 2 tháng/số. Số đầu tiên có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ tên tuổi hiện nay như PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, nhà nghiên cứu Lê Hải Đăng, nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, nhà văn Phạm Công Luận, nhà văn Trần Tiến Dũng…
Với cấu trúc 3 phần: Dấu tích xưa; Phong vị Sài Gòn và Sống ở Sài Gòn, các tác giả đã cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin, tư liệu quý giá về một vùng đất phồn hoa, sầm uất trên các phương diện khác nhau như văn hóa, lịch sử, ẩm thực, lối sống… Đặc biệt, giai phẩm được trình bày song ngữ Việt - Anh, mở thêm một phương thức tiếp cận đến các độc giả nước ngoài.
Trong không khí của những ngày xuân sắp đến, độc giả có thể ngồi chậm rãi thưởng thức những bài viết mang đậm cảm xúc “tống cựu nghinh tân” với Ngày xuân viếng Lăng Ông Bà Chiểu của Nguyễn Thị Toàn Thắng, Quán xá lê la của Phạm Công Luận, Tết miền Nam và nồi thịt kho tàu của Bùi Cát Văn, Phong tục ngày tết ở Sài Gòn của Nguyễn Thanh Lợi…
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc kể, trong một lần đến thăm ngôi nhà cổ trên đường Võ Văn Tần cùng đoàn chuyên gia người Italy, khi đoàn chuyên gia bóc lớp sơn bên ngoài thì bức tranh tường vẽ châu Âu cổ tình cờ hiện ra. Đó là một di sản rất lớn mà theo anh không có vàng ngọc nào sánh được.
“Di sản là ký ức của xã hội, có những di sản bị phủ bởi lớp bụi thời gian, việc còn lại là mình phủi đi những lớp bụi, bóc đi những lớp vôi để lớp trẻ sau này có thể hiểu được. Người ta chỉ thực sự yêu một vùng đất khi người ta hiểu về vùng đất ấy. Và mục tiêu duy nhất của dự án này là muốn người ta hiểu Sài Gòn hơn”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ về lý do ra đời dự án.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, dự án Sài Gòn: Gìn vàng - giữ ngọc không có tham vọng làm công việc của những người làm công tác bảo tồn di sản, vốn không dễ dàng gì với những đặc trưng của vùng đất Sài Gòn. Mà trong tâm thế của người sưu tầm sẽ cần mẫn, tỉ mỉ tìm kiếm và nâng niu những giá trị di sản, mong ước được phần nào góp nhặt những nét đẹp văn hóa vốn đã chìm sâu, để kể lại câu chuyện lịch sử về một vùng đất theo một cách thức mới. “Nếu như những nhà khảo cổ học cần mẫn khai quật lại những di chỉ để khám phá và lý giải những biến thiên lịch sử của vùng đất thì dự án - nơi tập hợp những người yêu mến vùng đất Sài Gòn, làm những công việc, ngành nghề khác nhau - chỉ có mong muốn cùng nhau khám phá những di chỉ ký ức xã hội thông qua việc quan sát, lắng nghe, cảm nhận và ghi chép lại những câu chuyện về vùng đất và con người Sài Gòn”.
Thị trường xuất bản thời gian vừa qua chứng kiến sự ra mắt của rất nhiều ấn phẩm về Sài Gòn với những đề tài và cách làm khác nhau. Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, điều làm nên sự khác biệt của dự án Sài Gòn: Gìn vàng - giữ ngọc chính là tính hệ thống.
Anh cho biết: “Vùng đất Sài Gòn, nói theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là “phòng thí nghiệm của sự đổi mới”, thay đổi rất nhanh. Mọi cái trở nên vụn vặt nhỏ bé và có thể chìm vào quên lãng rất nhanh. Dự án của chúng tôi được thiết kế theo một đường dây, có hệ thống. Ở những số sau, chúng tôi sẽ tập trung vào các đề tài như di sản, cải lương, tính cách hồn hậu, phóng khoáng của người Sài Gòn”.