Gìn giữ văn hóa K’Ho dưới mái trường vùng sâu

Dạy chữ viết K’Ho, nghệ thuật đánh cồng chiêng, múa xoang và vận động học sinh người dân tộc thiểu số mặc đồ thổ cẩm vào ngày đầu tuần… là cách làm của những người "đưa đò" ở Trường THCS Tân Thượng, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) để gìn giữ văn hóa bản địa ngay dưới mái trường.

Từ trang phục đến tiếng chiêng

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Tân Thượng vào một ngày đầu tuần, ghi nhận nhiều điều "lạ mắt". Thay vì mặc đồng phục như những trường học khác, học sinh nơi đây diện trên mình những bộ thổ cẩm đẹp mắt. Với nữ sinh là những chiếc váy được cách điệu giữa thổ cẩm và một số chi tiết hiện đại, với nam sinh là những chiếc áo gile khỏe khoắn, năng động. Trường THCS Tân Thượng có gần 400 học sinh, trong đó hơn 90% học sinh là con em đồng bào K’Ho. Ngay từ năm 2022, nhà trường đã vận động các gia đình, học sinh mặc đồ thổ cẩm vào ngày đầu tuần hoặc dịp đặc biệt.

Để những bộ trang phục có thêm không gian “sống”, nhà trường đã mở các lớp dạy cồng chiêng, múa xoang cho các học sinh trong trường. Tại đây, lớp học khóa thứ 2 với 40 em học sinh 11-14 tuổi, không chỉ cung cấp những kiến thức và kỹ thuật đánh chiêng cơ bản mà còn là hành trình giúp các em thấu hiểu, trân trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Em Ka Trìn (lớp 8A3, Trường THCS Tân Thượng) chia sẻ: “Em học múa xoang ở trường được 2 năm nay. Giờ em có thể múa được nhiều bài chào mừng hay về nhà tham gia múa cùng với mẹ, bà trong các dịp lễ hội trong cộng đồng, và tự tin hướng dẫn lại cho các em của mình”.

Tương tự, lớp học đánh cồng chiêng cũng thu hút đông học sinh. Em K’Hoàng Duy (lớp 8A1, Trường THCS Tân Thượng) cho biết: “Được học đánh cồng chiêng trong trường mang lại sự hào hứng cho em và các bạn. Thời gian học không nhiều nhưng cũng đủ để chúng em làm quen và chơi được những bài chiêng cơ bản của dân tộc mình”. Còn em K’Gìn thì hào hứng kể: “Vừa qua lớp cồng chiêng trong trường được đi biểu diễn ở xã Đinh Trang Thượng, được giao lưu với nhiều người, cả lớp chúng em rất thích thú”.

Nghệ nhân cồng chiêng Da Cha Vũ Bảo và K’Niêm (thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) được mời đến dạy cồng chiêng cho các học sinh đều đặn hàng tuần (1 buổi/tuần). Nghệ nhân Da Cha Vũ Bảo cho biết: “Trong 3 tháng học tập, các em đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng cơ bản về cồng chiêng, từ cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp cho đến việc đánh âm chuẩn xác”.

Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, hàng tuần, trong không gian lớp truyền dạy bên đồi thông, các nghệ nhân còn dạy các em những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng để kết hợp với điệu múa xoang truyền thống, tạo nên những tiết mục biểu diễn đầy ấn tượng. Qua đó, các em không chỉ làm chủ nhạc cụ mà còn thấu hiểu được giá trị văn hóa sâu sắc mà cồng chiêng mang lại cho cộng đồng mình.

Giữ gìn chữ viết

Dưới mái trường khang trang, căn phòng đa năng được sử dụng để giảng dạy chữ viết K’Ho cho học sinh trong trường. Cô Ka Dúys (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Tân Thượng, kiêm đứng lớp dạy chữ K’Ho cho học sinh trong trường) tâm sự: “Phần lớn các học sinh chỉ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ thông qua hình thức nghe - nói, riêng về chữ viết K’Ho thì hầu hết các em đều chưa thành thạo”.

CN5f.jpg
Lớp học chữ K'Ho tại Trường THCS Tân Thượng, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) giúp học sinh từ việc chỉ nghe, nói giờ đây có thể thành thạo đọc, viết chữ của dân tộc mình

Là một người con của dân tộc K’Ho nên cô Ka Dúys càng hạnh phúc và dành nhiều tâm huyết để giảng dạy chữ K’Ho cho thế hệ sau của mình. “Tôi cũng đang nghiên cứu, tìm tòi phương pháp giảng dạy đơn giản để có thể truyền đạt cho các em học dễ hơn, đọc chữ nhanh và ghi nhớ tốt hơn”, cô Ka Dúys cho biết.

Tại đây, các em được học những từ cơ bản trong giao tiếp hàng ngày như: jà hòi (phát động, mời gọi), pin (tin), jat (theo), di (đúng), nàng (để), bơtào (xây dựng) hay đan xen những từ ngữ mang tính chất giáo dục phòng tránh tệ nạn như: cit ma túy (chích ma túy), jrào phiơn (thuốc phiện), bơta pin gời (mê tín dị đoan), bơta bơto (giáo dục, dạy dỗ)…

Em K’Kiệt (học sinh lớp 9A2) cho biết: “Lúc đầu em chỉ nghe và nói được tiếng K’Ho do ông bà truyền lại, còn chữ viết thì em chưa biết gì. Sau hơn 1 năm theo học, em đã có thể đọc viết thành thạo chữ K’Ho, qua đó em thêm hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình. Khi về nhà, em còn chỉ dạy được chữ viết cho cha mẹ, chú bác trong gia đình có thể biết những từ ngữ cơ bản hàng ngày”.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thượng, cho biết: “Mới đầu, việc vận động phụ huynh và học sinh mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ hai hàng tuần gặp nhiều khó khăn bởi hiện nay đồ thổ cẩm có giá thành cao, không có nhiều nơi bán nên nhiều phụ huynh còn lưỡng lự. Nhà trường đã tích cực vận động, đồng thời tìm thêm nguồn tài trợ, hỗ trợ một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Để gìn giữ nét văn hóa bản địa ngay trong nhà trường, sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng của xã Tân Thượng cũng như ngành văn hóa mở thêm các lớp dạy chữ viết, lớp cồng chiêng và duy trì ổn định, từ đó phát huy, lan tỏa và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn”.

Tác giả ĐOÀN KIÊN

Bình chọn bài viết

Bài viết mới