Trước mắt, đội tuyển Việt Nam sẽ không thể có sự phục vụ của một trong những tài năng lớn nhất hiện nay tại các trận đấu cuối cùng mang tính quyết định ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á vào tháng 6 tới. Về lâu dài, hình ảnh của giải V-League bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người hâm mộ bị “tổn thương” ít nhiều sau khi xem những hình ảnh không đẹp từ pha bóng. Bạo lực sân cỏ vốn đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá Việt Nam bấy lâu nay, một lần nữa kéo lùi những tiến bộ vừa mới có được.
Sự việc diễn ra trên sân Thống Nhất có thể sẽ nhanh chóng lãng quên, như nhiều vụ việc tương tự trong quá khứ. Phê phán nặng nề nhưng rồi cũng dễ dãi cho qua mà không có những biện pháp cụ thể, quyết liệt, lâu dài để ngăn ngừa. Những tài năng bóng đá như Đỗ Hùng Dũng được xem là nguồn cảm hứng cho bóng đá Việt Nam và nền thể thao nói chung. Chính các ngôi sao ấy là người đưa khán giả đến sân, cổ vũ cho nhiều phụ huynh trên cả nước cho phép con em mình được theo nghiệp thể thao. Thế nhưng, các ngôi sao ấy ngoài những giá trị mà tự thân họ có được thông qua tài năng của mình, thì chưa được bảo vệ xứng đáng.
Trách nhiệm gìn giữ các tài năng thuộc về những người có liên quan đến nền thể thao, từ cấp độ quản lý của ngành đến cấp điều hành CLB. Theo đó, điều quan trọng là phải thiết lập những rào cản kỹ thuật mang tính chất toàn diện để bảo vệ cho các tài năng. Nó bắt đầu từ các trang thiết bị trong tập luyện phải đúng chuẩn, an toàn; là chế độ dinh dưỡng và quản lý sinh hoạt nghiêm túc, lành mạnh. Với bóng đá, 22 cầu thủ trên sân cần được đối xử công bằng. Những biện pháp xử lý nghiêm khắc cả trong và ngoài sân cỏ sẽ gián tiếp bảo vệ cầu thủ, bảo vệ những “tài sản lớn” của nền thể thao. Bên cạnh đó cần tìm cách tôn vinh phong cách thi đấu đẹp, cống hiến và ghi nhận những đóng góp cá nhân như cách mà giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, giải Fairplay do các đơn vị truyền thông đang thực hiện.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Ví dụ như mới đây, một nữ VĐV trẻ, tài năng của bóng chuyền Việt Nam nói lời giã từ sự nghiệp ở tuổi 19, chỉ vì cô muốn tìm một tương lai rõ ràng hơn trong môi trường khác. Cho dù đó là một lựa chọn cá nhân, nhưng rõ ràng cũng làm lãng phí công sức đào tạo, ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng chuyền và tạo ra suy nghĩ tiêu cực cho các bậc phụ huynh khi nghĩ đến thể thao đỉnh cao. Cơ chế đãi ngộ tài năng của thể thao Việt Nam hiện nay chỉ mới dừng lại ở các khoản tiền thưởng, thông qua thành tích thi đấu. Chúng ta thiếu hẳn một môi trường chuyên nghiệp, mà ở đó VĐV có thể có thu nhập phát sinh từ sự nổi tiếng và tài năng của mình.
Hôm nay chúng ta kỷ niệm 75 Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946-27-3-2021). Những gì làm tốt được tôn vinh; những gì chưa làm được cần phải nhìn nhận cụ thể, để ở tương lai gần, các VĐV thể thao sẽ có môi trường tập luyện tốt, được quan tâm và chăm sóc đủ đầy hơn, nhận được sự ưu đãi lớn hơn để có thể cống hiến cả tuổi xuân, sức lực trẻ trung cho vinh quang của thể thao nước nhà.