Cấu tạo kimono khá rườm rà, nhiều tầng lớp và không thể tự mặc một mình, nên ít thấy người dân Nhật Bản sử dụng trong các sinh hoạt đời thường. Ngày nay, trên khắp các đường phố nước Nhật, hiếm khi bắt gặp người mặc trang phục kimono, ngoại trừ những dịp lễ hội hay các dịp đặc biệt khác như đám cưới. Bên cạnh đó, theo xu hướng thời trang ngày càng hiện đại, bộ áo truyền thống của xứ sở mặt trời mọc cũng không thoát khỏi làn sóng cách tân, đổi mới và dần biến hóa, mất đi bản sắc.
Do dịch Covid-19, hoạt động lễ hội đều tạm dừng, Olympic bị hoãn, số lượng người đến đặt may kimono liên tục giảm mạnh và nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất kimono rơi vào tình trạng khó khăn. Đã có dự đoán cho rằng, đại dịch có thể khiến ngành công nghiệp kimono Nhật Bản rơi vào khủng hoảng sâu hơn nữa. Một số nghệ nhân tuổi cao vốn sở hữu chuyên môn về một công đoạn khác nhau để làm nên một chiếc kimono hoàn thiện cũng trở nên bi quan khi nghĩ về tương lai của ngành sản xuất này. Để bảo tồn ngành nghề truyền thống trải qua hàng trăm năm nay, nghệ nhân Hiroko Takahashi đã chuyển sang dùng vải may kimono để làm khẩu trang. Việc sản xuất khẩu trang là công việc mới hoàn toàn so với công việc ban đầu của Takahashi nhưng cô đã kịp thích nghi để duy trì hoạt động kinh doanh. Khẩu trang may từ vải kimono mang màu sắc truyền thống cũng dần thu hút sự quan tâm của người say mê kimono. Quai đeo được thiết kế vừa vặn với lớp vải thoáng mát có họa tiết đặc trưng có thể làm hài lòng khách hàng trong thời tiết mùa hè.
Mặc dù Takahasi vẫn đang dạy học và có nguồn thu từ sản xuất khẩu trang bằng vải may kimono, nhưng tổng doanh thu của cô đã bị tổn hại nặng nề. Nghệ nhân này vốn nổi tiếng trong việc kết hợp những mẫu vải ấn tượng, không phân biệt giới tính để may kimono và yukata (một loại kimono đơn giản và ít lớp hơn). Trung bình mỗi tháng, Takahashi có thể bán được 100 - 200 chiếc yukata làm sẵn, một thành tích đáng kể trong một ngành công nghiệp truyền thống mà doanh thu luôn liên tục sụt giảm tới mức hiện chỉ còn tương đương 16% so với năm 1981. Thông thường, các mẫu yukata do cô thiết kế có giá từ 60.000 yen (khoảng 566 USD) và từ 3 triệu yen đối với các mẫu kimono, nhưng giá của một chiếc khẩu trang lại chỉ từ 1.400 yen (13,17 USD).
Một cuộc khảo sát gần đây do Công ty Aeru chuyên quảng bá đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống Nhật Bản cho thấy, nếu nhu cầu không được cải thiện, khoảng 40% nghệ nhân có thể sẽ phải bỏ việc vào cuối năm nay. Nghệ nhân Takahashi chia sẻ: “Nếu một thợ chế tác vải không có thiết kế thì sẽ không có gì để nhuộm và nếu thợ nhuộm bỏ việc sẽ không thể may được kimono. Khi một người từ bỏ, tất cả chúng tôi sẽ phải làm điều tương tự. Tôi sẽ tiếp tục công việc đang làm để ngành nghề này được bảo tồn”. Những gì Takahashi đang thực hiện cũng đã truyền cảm hứng đến một số nghệ nhân kimono mong muốn gìn giữ ngành nghề truyền thống này, bởi họ hiểu rằng ngành sản xuất kimono không thể bị thoái trào.