Lâu nay người ta khuyến cáo ĐBSCL nên chú trọng chọn lựa phát triển kinh tế “xanh” thân thiện với môi trường, thay vì đánh đổi bằng kinh tế “nâu” phát triển công nghiệp nhưng sẽ trả giá đắt về môi trường!
Chợ nổi Cái Răng - điểm đến hấp dẫn ở ĐBSCL
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu phát triển được nhấn mạnh: “Phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. Đồng thời, phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của vùng ĐBSCL nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mê Công, đảm bảo an ninh quốc phòng”.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh: “ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng yếu cho cả nước. Đây là khu vực được quan tâm đặc biệt gắn với nhiều quyết sách. Song nhiều thách thức và tồn tại đang tác động lớn, nhất là biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu vùng. Quyết định số 68 sẽ là cơ sở để tạo ra sự bền vững an toàn, thịnh vượng cho phát triển nông nghiệp, sản phẩm nông sản, du lịch sinh thái chất lượng cao. Chúng tôi mong lãnh đạo các địa phương sẽ có cách điều hành chặt chẽ, theo hướng tôn trọng quy luật tự nhiên, lấy tài nguyên nước là cốt lõi”.
Có thể nói, Quyết định 68 đã nhấn mạnh đến việc gìn giữ, bảo tồn các vùng sinh thái đặc trưng của sông nước miền Tây. “Phát triển vùng ĐBSCL theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp đặc trưng, phù hợp với phân vùng phát triển kinh tế và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhằm phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có trình độ chuyên môn hóa cao trên cơ sở công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp; thiết lập không gian dành cho nước (trữ nước, điều tiết nước, thấm nước) theo tầng bậc địa hình trong phạm vi cấp vùng và đô thị”.
Đặc biệt, nhấn mạnh: Hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp dựa trên trọng tâm phát triển nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hóa cao, công nghiệp hóa và thương mại hóa nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, dọc sông Tiền - sông Hậu, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau và ven biển Đông.
“Bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang và Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; bảo tồn nghiêm ngặt hệ thống rừng đặc dụng (tổng diện tích 95.000ha); bảo tồn, phát triển và kết nối các vùng cây ăn trái khu vực sông Tiền, sông Hậu, từ phía thượng nguồn đến giáp tiểu vùng ven biển Đông, đặc biệt thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang”.
Thực tế, có địa phương như Bạc Liêu đã từ chối dự án lớn về nhiệt điện than đầu tư vào địa bàn khi thấy có nguy cơ tác động đến môi trường. Tuy nhiên, các khu, cụm công nghiệp, một số nhà máy nằm ven sông Tiền, sông Hậu… là những mối lo gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn, có thể tác động đến sinh hoạt và sinh kế của hàng triệu người dân trong vùng.
Việc tuân thủ Quyết định số 68 là rất quan trọng, nhằm bảo vệ 6 vùng sinh thái nông nghiệp, kiên quyết loại trừ các dự án “kinh tế nâu”, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lâu dài cho ĐBSCL!