Khác với nhiều cây bút phê bình, thường có phạm vi nghiên cứu rộng qua nhiều đề tài, nhiều tác giả khác nhau, còn Võ Quốc Việt ngay từ lúc xuất hiện lại tỏ ra đắm đuối với văn chương của Trần Bảo Định, một tác giả nổi bật của Nam bộ hiện nay.
Xuất hiện trong làng văn tương đối muộn nhưng những tác phẩm của nhà văn Trần Bảo Định nhanh chóng được bạn đọc yêu mến, đặt cho ông biệt danh “Ông già Nam bộ nhiều chuyện” - theo tên một tác phẩm của ông. Ông cũng cho thấy bút lực dồi dào khi chỉ trong vòng 10 năm, cho ra mắt nhiều tác phẩm như Đời bọ hung, Phận lìm kìm, Chim phương Nam, Đất phương Nam ngày cũ, Khói un chiều, Bóng chiều quê…
Theo chia sẻ của Võ Quốc Việt, anh rất mê và yêu thích sáng tác của Trần Bảo Định. Để hoàn thành tập sách Hạt phù sa sông nước Cửu Long, anh đã trải qua gần 3 năm đọc tác phẩm của ông và tiếp tục đọc thêm để hoàn thành tập sách Dân gian triết.
“Bộ sách Đất và người Nam bộ mến yêu của Trần Bảo Định cho tôi cơ hội được tắm mình trong tình yêu quê hương xứ sở. Đọc truyện của ông, tôi như bắt gặp chính người bà con thân thuộc. Và những tâm tư ông gửi gắm cũng là những điều tôi tìm kiếm lâu nay. Đặc biệt, trang viết của ông khiến tôi hiểu thêm về chính quê hương của mình, nhất là phương diện văn hóa, lịch sử”, Võ Quốc Viết chia sẻ.
Hạt phù sa sông nước Cửu Long giống như một cánh cửa giúp bạn đọc bắt đầu làm quen và tìm hiểu về văn xuôi Trần Bảo Định, sang Dân gian triết, Võ Quốc Việt giúp bạn đọc thâm nhập sâu hơn vào địa hạt văn xuôi của “Ông già Nam bộ nhiều chuyện”. Các bài viết trong tập sách này được sắp xếp theo trật tự mở rộng không gian, thời gian văn hóa. Mượn hình tượng trùn đất bình nguyên Cửu Long, anh đưa bạn đọc về miền quê cũ với những con người hiền hậu, cần cù, gắn bó với đất đai quê nhà.
Cùng với bộ sách Đất và người Nam bộ mến yêu (14 cuốn) của nhà văn Trần Bảo Định, hay Hạt phù sa sông nước Cửu Long xuất bản năm 2021, tập sách Dân gian triết của Võ Quốc Việt lần này góp phần làm rõ hơn những nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong đời sống xã hội Nam bộ của nhà văn Trần Bảo Định.
Võ Quốc Việt cho rằng, lĩnh vực lý luận phê bình đóng vai trò nhất định đối với đời sống và sự phát triển của nền văn học. “Với riêng tôi, lý luận phê bình khi thể hiện đầy đủ vai trò của nó, có thể ví von như kháng thể, đồng thời là dưỡng chất cho sinh hoạt văn học”, anh chia sẻ.