Gìn giữ giá trị của thể thao cộng đồng

Sự xuất hiện của hàng trăm giải chạy việt dã, marathon lớn nhỏ trong vài năm trở lại đây đã tạo nên xu hướng rèn luyện thể thao mới cho nhiều lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ.

Bên cạnh nhu cầu chạy để tăng cường thể lực, giảm stress, nhiều người tìm đến các giải chạy để được hòa mình vào công tác thiện nguyện của cộng đồng, để trải nghiệm ở các cung đường đua dài, nhiều thử thách hoặc chỉ đơn giản để thỏa mãn sở thích dịch chuyển và giới thiệu bản thân ở những sự kiện thể thao đông người…

Cũng trên xu hướng ấy, các giải chạy đang dần trở thành một kênh được các địa phương cùng công ty du lịch khai thác nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch kết hợp với thể thao để thúc đẩy du lịch nội địa. Ví dụ như giải chạy đêm phố cổ Hội An, Ho Chi Minh City Night Run hay các giải chạy trong nội thành Huế và trên cung đường biển ở vịnh Hạ Long…

Ở khía cạnh quản lý, sự phát triển của những môn thể thao có tính cộng đồng cao như các giải chạy cũng giải quyết khá nhiều bài toán về phát triển phong trào thể thao quần chúng trong bối cảnh vẫn còn hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều môn thể thao cộng đồng không cần phải đầu tư quá nhiều, chủ yếu tận dụng những ưu thế có sẵn của các địa điểm tổ chức. Do thi đấu ngoài trời, đông người nên tính quảng bá khuyến khích tập luyện thể thao cũng rất lớn, hiệu quả cao, hình thành nên một thế hệ VĐV mới của thể thao Việt Nam ở các môn mang tính khám phá bản thân.

Nhưng khi “trăm hoa đua nở” lại xuất hiện tình trạng tăng trưởng nóng. Nơi nơi tổ chức các giải chạy, số lượng sự kiện tăng lên trong thời gian quá ngắn cũng kéo theo không ít hệ lụy khi mà giải đấu nhiều, VĐV chuyên nghiệp ít, người chơi phong trào lại chưa có thời gian tích lũy kinh nghiệm lẫn kiến thức về môn chạy. Các giải đấu muốn tăng uy tín rất cần có sự tham gia của VĐV chuyên nghiệp cũng như số người đăng ký, từ đó nảy sinh các hình thức cố tình gian lận như tráo áo bib VĐV để tranh giải, nhà tổ chức không đủ năng lực kiểm soát sự cố và quản lý đường chạy nên có VĐV chạy nhầm lộ trình ở giải vốn có cung đường khắc nghiệt và gặp tai nạn dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, quản lý và tổ chức các môn thể thao cộng đồng bao giờ cũng khó hơn so với thể thao chuyên nghiệp. Với những môn chạy vốn có sự trộn lẫn giữa chuyên nghiệp và phong trào lại càng khó quản lý, định hướng hơn nên lại càng rất cần sự chấn chỉnh và kiểm soát của các cơ quan chức năng để các giải chạy trở thành một kênh rèn luyện thực sự của mọi giới. Trước mắt, cần xem xét việc tăng trưởng quá nhanh của các giải chạy liệu đã hợp lý với số lượng VĐV, người chơi hiện có hay không. Không phải ai có thể chạy bộ cũng đủ điều kiện để tham gia các giải chạy và ngược lại, không phải đơn vị nào cũng đủ năng lực, thẩm quyền để tổ chức các sự kiện mang yếu tố hỗn hợp như các giải chạy.

Cũng đến lúc cần tách bạch những giải chạy marathon chuyên nghiệp với những cuộc thi việt dã mang tính chất quảng bá du lịch hoặc rèn luyện sức khỏe. Tăng cường quản lý càng sớm thì càng dễ xây dựng nền tảng phong trào và xây dựng được lực lượng VĐV đỉnh cao có chất lượng. Bên cạnh đó cũng giúp cho các địa phương muốn quảng bá du lịch có những chọn lựa phù hợp với điều kiện tại chỗ. Ví dụ, địa phương nào phát triển khách quốc tế thì sẽ chọn các giải đấu khác so với nơi chỉ tập trung cho thị trường nội địa.

Tin cùng chuyên mục