Mặc dù đây là thời điểm có nhiều hoạt động khác nhau trong cộng đồng nhưng chương trình cũng đã thu hút rất nhiều người tới tham dự. Không phụ lòng mong đợi của mọi người, chương trình đã được mở đầu bằng bài vọng cổ nổi tiếng vốn được coi là nguồn gốc của nghệ thuật cải lương Nam bộ, bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Theo anh Phan Nhất Linh, cư dân thành phố Silverspring, bang Maryland: “Xem cải lương để nhớ về cội nguồn dân tộc. Khi ở xa quê hương, xem cải lương tức là giữ được quốc hồn quốc túy”. Chị Lương Thị Thu Hương, sống ở thành phố Houston, bang Texas, nói: “Tôi là người miền Tây nên rất thích cải lương. Các nghệ sĩ ca và diễn rất hay”. Đêm diễn tại ngoại ô thủ đô Washington kéo dài từ 18 giờ 30 đến gần nửa đêm với rất nhiều trích đoạn cải lương phục vụ đồng bào và hầu hết khán giả ở lại xem đến hết.
Điều đáng quý là bên cạnh các nghệ sĩ cao niên và trung niên, nhiều nghệ sĩ trẻ tại Mỹ cũng theo đuổi bộ môn cải lương, hát cổ nhạc rất điêu luyện. Điều đó không chỉ mang lại niềm vui cho các nghệ sĩ thế hệ đi trước mà còn là tín hiệu đáng mừng trong việc lưu truyền bộ môn cổ nhạc tại hải ngoại. Chú Hà Văn Sang, sinh sống tại thành phố Alexandria, bang Maryland, nói: “Những người trẻ ở đây đã cố gắng hợp lại nhau thành các đoàn hát và dịp giỗ tổ cũng được nhiều nơi tổ chức. Đây là dấu hiệu tốt về việc bảo tồn cổ nhạc”.
Giỗ tổ ngành sân khấu cũng diễn ra tại “thủ phủ của người Việt” - Little Saigon. Tiết mục độc đáo khai mạc lễ giỗ tổ sân khấu là điệu múa Bài hát dâng tổ, trong đó nhắc đến tất cả bộ môn nghệ thuật trong ngành sân khấu gồm kịch nghệ, ca cổ, cải lương hồ quảng, thời trang, cho đến người mẫu trình diễn. Xen kẽ trong chương trình có những màn tân nhạc, cổ nhạc, cải lương, do các nghệ sĩ trình bày. Nhiều khán giả cũng hào hứng lên sân khấu xin góp những tiết mục ca hát, nhận được nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt. Ông Lê Văn Hảo, quê huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cho biết hàng năm ông đều đi dự tất cả các lễ giỗ tổ ngành nghệ thuật tại Orange County, riết rồi quen nên không đi dự thì ông thấy nhớ. Ông nói : “ Dù tất cả các ca nghệ sĩ đều làm lễ giỗ tổ nhưng mỗi nơi đều có điểm đặc sắc riêng. Đi dự nhiều nơi mới thấy thú vị”. Theo ông, “những dịp cúng tổ là lúc gợi nhớ lại những không khí quê nhà ngày xưa, với những ký ức cỡ tuổi già như tôi mới thấm thía vô cùng”.
Có thể nói, mọi người trong lãnh vực nghệ thuật sân khấu, ca kịch trình diễn đều mong đợi ngày này để tề tựu về cúng tổ hàng năm. Đây là ngày rất quan trọng với giới nghệ thuật sân khấu, các ca nghệ sĩ được dịp tới cúng tổ, cũng là để duy trì các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của người Việt ở xứ người.