Tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, mô hình trồng rau hữu cơ đã và đang dần đi vào ổn định. Với diện tích hơn 10.000m², hơn 9 hộ dân tham gia canh tác luân phiên khoảng 30 loại rau củ quả hữu cơ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 1 tạ sản phẩm. Địa phương đang đầu tư để mở rộng thêm mô hình và kêu gọi cộng đồng hướng đến phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Chức, nông dân làng rau Thanh Đông, chia sẻ: “Hiện nay ngoài việc sản xuất rau hiệu quả, tạo thu nhập cho bà con, làng rau Thanh Đông còn được công ty du lịch tổ chức các tour tham quan trải nghiệm trồng rau hữu cơ. Bà con rất phấn khởi, nhận thấy trồng rau hữu cơ là vì sức khỏe mọi người, nhất là nông dân sản xuất. Sản phẩm làm ra gia đình mình ăn, khách hàng ăn không bị ảnh hưởng bởi hóa chất độc hại. Câu chuyện này lan tỏa đến cộng đồng, khách tham quan thích thú, nhiều khách nước ngoài thuê nhà xung quanh làng rau để sinh sống vì môi trường xanh, sạch đẹp…”.
Vào sâu trong vườn rau tìm gặp vợ chồng bà Phan Thị Sâm, một hộ sản xuất trong làng rau Thanh Đông. Bà năm nay 77 tuổi, chồng của bà hiện cũng đã 81 tuổi.
Bà cười nói: “Vợ chồng già chúng tôi khỏe mới ra đây làm, chứ không khỏe làm gì nổi”. Bà cho biết, mỗi tháng thu nhập bình quân từ sản xuất rau là 3-4 triệu đồng/hộ. “Tôi già nhất làm ít nhất cũng được hơn 2 triệu đồng/tháng. Như vậy cũng đủ trang trải cho cuộc sống của nông dân”, bà Sâm nói. Đến thăm làng rau, chứng kiến các nông dân ai nấy đều vui vẻ. Một làng quê chân chất, thật thà giữa sự phát triển tấp nập của đô thị.
Ông Phạm Văn Mẹo, Tổ trưởng Tổ Rau hữu cơ Thanh Đông, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách pha chế thuốc thảo mộc cho rau hữu cơ để không bị sâu bệnh. Phun gừng cho rau, chờ 3 ngày không hết thì pha chung với tỏi. Cách pha là 1kg gừng, 2kg tỏi, 1kg ớt giã nhỏ, ngâm với 1 lít rượu để trong vòng 12 giờ, sau đó đổ 3 lạng đường vô, ngâm 5 ngày, tiếp tục đổ vào 5 lít rượu nữa, thời gian khoảng 15-20 ngày là dùng được. Mỗi hộ nông dân đều có 1 nhà ủ phân riêng, phân ủ hơn 100 ngày, đến khi không còn mùi nữa mới bón cho cây. Mỗi 3 tháng địa phương sẽ kiểm tra từng hộ về kế hoạch sản xuất, nhật ký đồng ruộng…
Về việc kết hợp du lịch, ông Nguyễn Văn Chức cho biết: “Ngoài làng rau, thôn còn có một đội thuyền thúng, góp phần làm phong phú hoạt động du lịch tại địa phương. Riêng làng rau được công ty du lịch liên kết đưa khách đến tham quan trải nghiệm. Khi khách đến, tổ sẽ cử ra 1 nông dân giới thiệu phương thức canh tác, quy trình sản xuất rau hữu cơ; nếu khách có nhu cầu trải nghiệm, nông dân sẵn sàng chuẩn bị dụng cụ sản xuất như phân, giống, đất… cho khách cùng làm. Giá tham quan 30.000 - 50.000 đồng/người. Kinh phí thu được từ tiền vé tham quan sẽ góp vào quỹ để sửa chữa làng rau chung như hàng rào, cổng, thăm hỏi nông dân ốm đau... Năm 2016, quỹ được khoảng 20 triệu đồng…”.
“Rau được tổng hợp vào cuối ngày, sau đó chia đều cho từng hộ nông dân và luân phiên xoay vòng. Sản phẩm của hộ nào được nhiều thì hộ ấy hưởng. Toàn bộ rau được Organic Hội An bao tiêu”, ông Chức kể. Ông Mẹo chia sẻ thêm: “Hầu hết nông dân chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định từ việc sản xuất rau, có khi không đủ rau để xuất đi. Vậy nên, ngoài việc có được sức khỏe tốt, chúng tôi còn có được một cuộc sống vui vẻ, thoải mái…”