Thành quả sau hơn 10 năm
Năm 2013, lúc còn là sinh viên năm thứ 3 tại Đại học Sư phạm TPHCM, Trần Mỹ Hải Lộc (sinh năm 1992, hiện là giảng viên chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại TPHCM) đoạt giải nhì Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Sau 10 năm, với sự trợ giúp của anh Lưu Đình Long, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong, Hải Lộc đã biên tập, chỉnh sửa công trình này và cho ra mắt ấn phẩm Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam: Luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử từ hệ thống bản đồ Việt Nam, Trung Quốc và các tổ chức phương Tây (NXB Đồng Nai).
Cuốn sách là công trình tổng hợp có hệ thống các bản đồ lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc, của các quốc gia và tổ chức địa lý phương Tây, các châu bản triều Nguyễn... đã được công bố và sưu tập, kết hợp cùng với luật pháp quốc tế (Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển - UNCLOS) để chứng minh, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Trần Mỹ Hải Lộc kể, vì học quan hệ quốc tế, còn giảng viên hướng dẫn chuyên về lịch sử Việt Nam nên cả cô và trò cùng muốn làm một cái gì đó, để sau này ra trường rồi đi làm, sẽ có một kênh để chia sẻ thông tin về biển đảo đất nước. Công trình đoạt giải nhưng phải đợi hơn 10 năm sau, cuốn sách mới có thể ra đời. Lý giải về sự chậm trễ này, Hải Lộc cho biết, lúc đó anh vẫn đang là sinh viên, trong khi chủ quyền biển đảo là vấn đề lớn và quan trọng. Muốn thuyết phục được bạn đọc thì tác giả cũng phải ở một tầm nào đó. Năm 2017, anh tốt nghiệp thạc sĩ nhưng trước đó một năm, người hướng dẫn của anh là TS Lê Huỳnh Hoa mất, anh vừa buồn vừa hụt hẫng khi mất đi một chỗ dựa tinh thần. Những năm sau này thì lại bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Đến 2023, tôi nhận thấy đã đến thời điểm phù hợp để xuất bản sách. Tôi không xem sách của mình là một công trình nghiên cứu cao siêu, mà chủ yếu muốn hướng đến cộng đồng, nhất là giới trẻ. Mục tiêu của tôi là sách được về các trường học hoặc là những tủ sách cộng đồng của các tỉnh để các bạn trẻ có thể tiếp cận hoàn toàn miễn phí”, Hải Lộc cho biết.
Hướng đến cộng đồng
Sau khi sách ra mắt, Trần Mỹ Hải Lộc đặt mục tiêu bán được 100 cuốn sách. Số tiền thu được sẽ được chuyển vào chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” do Quân chủng Hải quân phát động, triển khai ở 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước. Hiện tại, mục tiêu này đã hoàn thành nên Lộc đang tìm cách kết nối với Quân chủng Hải quân để trao gửi số tiền này, nhằm góp một phần tấm lòng của mình đến các em nhỏ là con em của ngư dân đang từng ngày bám biển.
Số sách còn lại, Hải Lộc sẽ sử dụng cho các hoạt động hướng đến cộng đồng thông qua việc gửi tặng các tủ sách cộng đồng tại các tỉnh, thành. Đặc biệt, vào ngày 6-7 này, anh sẽ bắt đầu chuỗi hoạt động bằng chương trình giao lưu và trò chuyện Tuổi trẻ học đường với tình yêu biển, đảo, biên giới của Tổ quốc trong thời đại 4.0 tại TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp). Hoạt động này sẽ được Hải Lộc duy trì và tiếp tục khi kết nối được với các trường học.
Trước đó, vào năm 2020, anh cùng một số người bạn thành lập Dự án 3C Global Citizen (Công dân toàn cầu), chuyên đào tạo miễn phí những kỹ năng dành cho sinh viên, nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, dự án đã thực hiện được 3 đợt với khoảng 50 sinh viên tham gia. Hải Lộc cho biết, vào tháng 9 tới đây, khi năm học mới trở lại, anh và các cộng sự sẽ khởi động đợt 4, nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm những kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc học và công việc sau này.
“Cuốn sách nêu những giá trị lịch sử, pháp lý đầy thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là một công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn vô cùng quan trọng, với cách thể hiện gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu với các bạn trẻ, sẽ góp phần giúp người trẻ hiểu rõ hơn về chủ quyền của chúng ta đối với hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Hoàng Sơn Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Phát triển dự án, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ - Thành đoàn TPHCM, nhận xét.