Chạm tay vào kiến thức
Mùa hè năm nay, tại TPHCM xuất hiện một lớp học khác lạ giữa vô vàn những lớp học thêm, lớp năng khiếu như thường thấy. Đó là lớp học về kỹ năng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu mang tên “Em sống xanh” do Viện Công nghệ châu Á (AIT) tại Việt Nam tổ chức, có sự tài trợ của Liên minh châu Âu.
Lớp học này dành cho các em từ 8 - 12 tuổi. Không “vật lộn” với con chữ hay luyện tập hình thể, mỗi buổi học ở lớp “Em sống xanh” các em được tham gia trò chơi, được giải đáp những thắc mắc và tự mình khám phá về thiên nhiên xung quanh.
Theo bà Phạm Thị Thùy Dương, Phòng Phát triển dự án AIT Việt Nam, môi trường, ô nhiễm, biến đổi khí hậu… là những khái niệm trừu tượng, không nhìn thấy hay cầm nắm được nên rất khó để thuyết phục các em quan tâm bảo vệ môi trường, càng khó hơn để ứng xử trong đời sống. Vì thế, mỗi buổi học ở AIT Việt Nam mang một chủ đề xoay quanh các sinh hoạt hàng ngày của các em như ăn uống, sử dụng đồ dùng học tập - dụng cụ gia đình, tham gia giao thông, mua sắm… trong đó, lồng ghép những kiến thức về thiên nhiên, môi trường.
Cùng với việc được truyền đạt kiến thức, các em sẽ được tự mình trải nghiệm thông qua các loại đồ chơi, mô hình và những chuyến thực tế hiện trường. Khi đã nhìn thấy được “hình hài” của môi trường, của tự nhiên cùng với sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực (tâm lý, năng lượng, giao thông, ẩm thực, y tế…), các em sẽ tự tìm ra cách bảo vệ môi trường và ghi nhớ để thực hiện. Các giảng viên cũng lồng ghép vào khóa học một số kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm, làm việc độc lập… để tăng thêm khả năng sáng tạo cũng như sự tự tin cho các em.
Bà Thùy Dương cũng cho biết, lớp học về kỹ năng bảo vệ môi trường của AIT Việt Nam đã triển khai 2 năm ở Hà Nội và đạt một số kết quả khá khả quan từ việc hình thành cho các em ý thức và thói quen ứng xử thân thiện với môi trường, sử dụng đồ dùng tiết kiệm… hay đơn giản chỉ là không vứt rác bừa bãi.
“Chúng tôi quan sát từng buổi học và nhận ra sự thay đổi từng chút một trong cách ứng xử của các em. Các em hành động đã thành phản xạ không điều kiện, tự nhiên chứ không “giả vờ” trước mặt bạn bè, thầy cô. Ngược lại, những thắc mắc, những ý tưởng của các em cũng khiến chúng tôi phải suy nghĩ và cải thiện chất lượng khóa huấn luyện. Năm nay, AIT Việt Nam mở thêm khóa học ở TPHCM, ban đầu chúng tôi đã nghĩ đến tình huống ít học viên tham gia vì mùa hè vốn là mùa bận rộn với các lớp học thêm. Nhưng số lượng đăng ký nhanh chóng vượt quá số lượng cho phép là 30 em/lớp nên chúng tôi phải kết thúc đăng ký trước thời hạn. Rõ ràng, vấn đề bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên đã được cộng đồng ý thức hơn và quan tâm hơn, chúng tôi rất mừng về điều này”, bà Thùy Dương bày tỏ.
Nền tảng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Tại cuộc họp bất thường của HĐND TPHCM về công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải, tổ chức vào tháng 6 vừa qua, nhiều đại biểu đã đề cập đến khía cạnh giáo dục như nền tảng để nâng cao ý thức, hình thành những hành vi ứng xử bảo vệ môi trường trong gia đình và nơi công cộng. Kết thúc cuộc họp, HĐND TP đã đưa ra nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố, trong đó có mục tiêu từ năm học 2018-2019, đảm bảo 100% học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn được giáo dục kiến thức và kỹ năng bảo vệ môi trường.
Trong thực tế thì thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như nhiều đơn vị trong và ngoài đã phối hợp cùng các trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, động vật hoang dã… Tuy nhiên, theo nghiên cứu của AIT Việt Nam, cần ít nhất là 3 tháng để hình thành thói quen hay thay đổi hành vi của trẻ và phải thực hiện liên tục.
Trong khi ở Việt Nam, kiến thức và kỹ năng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường chưa được đưa thành một bộ môn trong trường học mà chỉ mang tính chất lồng ghép. Hoạt động tuyên truyền của các tổ chức mang tính định kỳ và không duy trì liên tục nên hiệu quả để các em học sinh ứng dụng thực tiễn chưa cao. Vì thế, vấn đề giáo dục về môi trường nên được đưa vào chương trình học với tầng suất dày hơn, giúp các em duy trì thói quen đều đặn hơn.
“Không chỉ là giáo dục cho các em, chúng ta cũng đang góp phần cải thiện hành vi của người lớn. Bởi lẽ trẻ em cũng là tác nhân tốt để tuyên truyền và giám sát người lớn tuân thủ vấn đề bảo vệ môi trường, vì chẳng ông bố bà mẹ nào muốn “mất mặt” trước con cái cả, cho nên họ cũng sẽ cố gắng duy trì thói quen ứng xử văn minh để làm gương cho con cái”, bà Thùy Dương nhận xét.