Gieo chữ trên đỉnh Pha Cà Tún

Họ là những nhà giáo có thâm niên hàng chục năm trèo đèo, lội suối lên với Huồi Mới - bản vùng cao khó khăn bậc nhất của xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) để dạy học. Niềm vui của những giáo viên cắm bản người Mông là khi học trò đến lớp đủ đầy…

Gian nan gieo chữ non cao

Bản Huồi Mới từ lâu được xem là bản đặc biệt khó khăn của xã biên giới Tri Lễ, với 100% bà con người Mông sinh sống. Từ trung tâm xã, hàng ngày các thầy, cô giáo “cắm bản” phải vượt hơn 10 cây số đường đất quanh co, dốc dựng đứng với một bên vách đá, một bên là vực sâu mới tới được điểm trường dạy học. Trên đỉnh Pha Cà Tún ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, Huồi Mới quanh năm sương mù, mây trắng bao phủ. Do khó khăn, cách trở nên bản Huồi Mới hiện chỉ có điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - Tiểu học Tri Lễ 2 và điểm trường thuộc Trường Mầm non Tri Lễ.

I1b.jpg
Cô giáo Lầu Y Pay, một trong 3 nữ giáo viên cắm bản ở điểm trường Huồi Mới - Trường Mầm non Huồi Mới

Tại điểm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Tiểu học Tri Lễ 2, các thầy giáo cắm bản nơi đây tất bật với những giờ lên lớp. Sau hàng chục năm thầy trò học trong lớp tạm bằng gỗ, hoặc lắp ghép tại 2 điểm lẻ Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2, từ năm học 2020-2021 đến nay, điểm trường Huồi Mới đưa vào sử dụng 5 phòng học bằng bê tông kiên cố, khu vệ sinh… với đầy đủ chức năng. Cổng trường tại điểm Huồi Mới chỉ đơn sơ 2 thân cây dựng hai bên, phía trên treo tấm biển bằng gỗ ghi tên trường, tên bản. Đây cũng là cổng trường đặc trưng cho những điểm lẻ ở vùng sâu, vùng xa biên giới Nghệ An.

Điểm trường Huồi Mới thiếu thốn, khó khăn bậc nhất xã nên suốt 40 năm qua chỉ có giáo viên nam thay nhau “cắm bản” để dạy học. Thầy Lương Văn Xuyên (sinh năm 1969) là giáo viên “cắm bản” lâu năm nhất tại điểm trường Huồi Mới. Cứ đầu buổi học, thầy Lương Văn Xuyên lại mở sổ điểm danh: em Lầu Y Sáng! Có! em Thò Y Cu! Vắng!… Phút chốc, danh sách 25 học sinh trong lớp đã xướng tên xong, nhưng chỉ có 17 em hiện diện tại lớp học.

Nhìn lớp học vắng 1/3 sĩ số, thầy Xuyên lo lắng: “Dạy học ở bản xa xôi, khó khăn bậc nhất của xã và huyện, cái khó nhất mà các giáo viên nơi đây phải đối mặt là bất đồng về ngôn ngữ vì 100% đồng bào người Mông. Do điều kiện khó khăn, khi cái ăn còn chưa no nên phần nhiều bà con không chú trọng việc học của con cái. Vì thế, để ổn định được sĩ số từng lớp học là thử thách không nhỏ”.

Ngày trước do cuộc sống khốn khó, trẻ em ở Huồi Mới bỏ học nhiều. Không quản khó ngại, những người thầy ở đây đã băng rừng, lội suối đến từng nhà động viên các em. Thầy Lữ Văn Sơn, một nhà giáo nhiều năm gắn bó với rẻo cao Huồi Mới, cho biết: người Mông có phong tục tập quán sống khép kín, chỉ quan hệ với anh em, họ hàng, ít giao tiếp với người ngoài nên việc đi vận động bố mẹ để các em đến trường rất khó khăn. Các thầy muốn nói chuyện với người dân ở đây phải tạo được sự tin tưởng, thân thiện. Chính vì vậy, mỗi khi vận động học trò, các thầy phải đi cùng trưởng bản, hội trưởng hội phụ huynh.

Theo thầy Sơn, do bất đồng ngôn ngữ nên dạy tiếng ở đây là rất quan trọng, vì học sinh ở đây phần lớn đều không biết tiếng phổ thông. Vậy nên, muốn dạy chữ cho các em, trước tiên thầy giáo phải dạy tiếng. Tiếng xong rồi mới đến chữ và nghĩa. Một bài giảng theo quy định có thể chỉ dạy trong 1 tiết, nhưng ở đây các thầy giáo điểm trường Huồi Mới phải “đánh vật” với học sinh đến cả 2-3 ngày trời vì vừa dạy tiếng vừa dạy chữ cho trò.

Yêu trò rồi đất lạ... hóa quê hương

Vất vả hơn những đồng nghiệp nam ở cấp tiểu học, tại điểm Trường Mầm non Huồi Mới hiện có 3 cô giáo “cắm bản” với 60 học sinh của 2 lớp ghép từ 3-5 tuổi. Cô Lầu Y Pay (sinh năm 1986) là người có thâm niên gần 15 năm “cắm bản” gieo chữ ở điểm Trường Mầm non Huồi Mới. Tuy nhà cách điểm trường chỉ hơn 10 cây số, nhưng nhiều ngày các cô giáo phải ở lại vì đường sá đi lại khó khăn, vất vả. Nhất là mùa mưa bão, sạt lở đất có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

I5a.jpg
Giờ lên lớp của thầy Lữ Văn Sơn

Những ngày đầu lên điểm trường của xa xôi, khó khăn bậc nhất của Tri Lễ nhận công tác, cô Pay chỉ nghĩ rằng mình có sức trẻ, có kiến thức thì cống hiến. “Do đồng bào người Mông thường sống biệt lập nên sự thích nghi của trò cũng không cao. Các em dè dặt, sợ sệt và sống hết sức bản năng. Vậy nên để các em học được cái chữ thì giáo viên ở đây phải kết hợp nhuần nhuyễn hai thao tác vừa dạy vừa dỗ trò. Nếu không kết hợp được hai yếu tố này thì học sinh sẽ bỏ trường, bỏ lớp về bản ngay”, cô Pay chia sẻ.

Gắn bó với nghiệp “trồng người” ở Tri Lễ từ những ngày đầu ra trường, cô Lô Thị Sáu (sinh năm 1976), quê ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong vẫn chưa quên những năm tháng gian khó, nhọc nhằn vất vả để gieo chữ nơi miền biên viễn: “Ngày đó chưa có đường, nếu đi xe ôm, tiền lương được 300.000 đồng thì mất 200.000 đồng nên chị em tôi chấp nhận cuốc bộ cả ngày đường mới vào được nơi dạy học”.

Các thầy, cô giáo ở Huồi Mới đa phần đều đã lập gia đình, chung lưng đấu cật, chia sẻ cùng nhau những vui buồn và lấy nghề dạy học làm nguồn vui, niềm an ủi động viên duy nhất cho mình. Có một điều trùng hợp là cả 3 cô giáo “cắm bản” của điểm Trường Mầm non Huồi Mới không hẹn mà cùng nhau lấy chồng đều là giáo viên ở Tri Lễ. Có lẽ vì thế nên các cô giáo ở Huồi Mới luôn nhận được sự cảm thông, san sẻ từ những người chồng để họ có thể yên tâm “cắm bản”, “trồng người” nơi vùng đất khó Huồi Mới.

Đến nay, sau 15 năm “cắm bản”, cô Lầu Y Pay trải qua thời gian thử thách đối với giáo viên trẻ từ lâu, và có đủ điều kiện để chuyển về điểm trường trung tâm. Tuy nhiên, cô Pay vẫn chọn ở lại Huồi Mới - bản làng người Mông xa xôi đã trở nên gần gũi, quen thuộc và là quê hương thứ hai mà cô muốn gắn bó. Còn với cô Sáu, niềm vui lớn nhất khi 3 đứa con của vợ chồng cô luôn chăm ngoan, học giỏi.

Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng những người thầy ở bản Huồi Mới vẫn động viên nhau vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ gieo chữ nơi rẻo cao. Sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao vẫn còn đó gian khó, nhưng vượt lên những khó khăn thách thức, các thầy, cô giáo trên đỉnh Pha Cà Tún vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “ươm những mầm xanh” trên núi.

Có nghe những lời ca vang lên giữa đại ngàn “Trên đỉnh núi lưng đèo người Mèo ơn Đảng” và thấy được những ánh mắt thơ ngây, nụ cười tươi như bông hoa rừng của những cô bé, cậu bé người Mông nơi biên cương xứ Nghệ, mới cảm nhận được những hy sinh và hạnh phúc lớn lao của “người thầy đặc biệt” này.

Tác giả HỒ VĂN NGỢI

Bình chọn bài viết

Bài viết mới