Đến từng nhà vận động phụ huynh
Theo chân thầy giáo Ngô Hữu Quốc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Xốp (huyện Đăk Glei), chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng cô giáo Đinh Thị Hường và thầy Lê Xuân Vĩnh.
Năm 2009, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hải Dương khi chưa đầy 21 tuổi, cô gái trẻ Đinh Thị Hường rời quê hương Hà Tĩnh vào nhận công tác tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (xã Xốp ngày nay). Ngày ấy, huyện vùng sâu của tỉnh Kon Tum vừa bị ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử, đường sá hư hỏng nặng. Từ trung tâm huyện vào đến trường, các cô giáo phải lội qua nhiều con suối, băng qua những rẫy sắn, ruộng bắp của bà con. Cái đói, cái nghèo của người dân nơi đây và cảnh “đói chữ” của trẻ em Tà Rẻ đã thôi thúc cô giáo trẻ cùng đội ngũ giáo viên quyết tâm bám làng dạy chữ.
Cô giáo Đinh Thị Hường với học trò của mình
Cô Hường kể, ngày đầu tiên đến với các em, chứng kiến cảnh đầu không mũ, chân không dép, co ro trong bộ quần áo xộc xệch, chắp vá để đến trường trong cái lạnh tê tái của núi rừng Ngọc Linh, cô rất xúc động. Trong những lần xuống bản kiểm tra việc học của học sinh, nhìn bữa cơm chỉ có canh rau rừng, vài con cá khô và muối; bàn ghế không có, các bạn nhỏ cầm cuốn sách ngồi bên bếp lửa hoặc ngồi trên giường học chữ, cô càng thương trò mình hơn.
Cũng giống như cô Hường, cô Võ Thị Kiểu, giáo viên chủ nhiệm lớp 2B đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình nơi rừng sâu này. Cô Kiểu chia sẻ: “Năm 2010, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, tôi đến đây nhận công tác. Ngày ấy, khu vực này rất hoang vắng, dân cư thưa thớt trên các sườn đồi. Trong khi đó, trường lớp thì xuống cấp, dụng cụ phục vụ giảng dạy thiếu thốn, đường sá đi lại lầy lội, tỷ lệ học sinh đến trường thấp. Khó khăn là vậy, nhưng đội ngũ giáo viên chúng tôi đã động viên nhau khắc phục để vượt qua”.
Là địa phương có 99% người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Tà Rẻ, một nhánh của dân tộc Xê Đăng), việc học tập của các cháu ở xã Xốp chưa được phụ huynh quan tâm, nên tỷ lệ học sinh đến trường có thời điểm chưa đầy 70%. Để duy trì sĩ số, ngoài giờ lên lớp, cô Hường, cô Kiểu đã phải cùng với đội ngũ giáo viên trong trường phối hợp với già làng, trưởng thôn đến từng nhà vận động cha mẹ đồng ý cho con đến trường. Trong những lần đến nhà vận động ấy, các cô đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn bởi leo dốc, vượt đồi đến từng nhà cũng không lớn bằng việc bất đồng ngôn ngữ, mỗi lần trao đổi với già làng, trưởng thôn và bố mẹ học sinh, hai cô phải dùng bút viết từng câu ra giấy, sau đó chuyển cho họ xem. Đối với những người không biết chữ thì phức tạp hơn, các cô phải thêm một lần nữa là nhờ trưởng thôn phiên dịch, diễn giải nhiều lần, bố mẹ các cháu mới dần hiểu ra.
Đất lạ hóa quê hương
Cô Hường và cô Kiểu là hai trong số rất nhiều thầy cô giáo gắn bó với mảnh đất này để thực hiện nhiệm vụ trồng người. Trò chuyện với họ, chúng tôi thấu hiểu hơn tấm lòng yêu thương học sinh của đội ngũ giáo viên nơi đây. Ngoài giờ lên lớp truyền dạy chữ cho học sinh Tà Rẻ, các cô còn tìm mọi cách để giúp đỡ học sinh của mình. Các em thiếu cuốn sách, cây bút, cái cặp, thậm chí là đôi dép, bộ quần áo... các cô đều vận động bạn bè và người thân hỗ trợ. Mỗi lần ra huyện, mỗi lần đến thăm nhà bạn bè, các cô đều quyên góp sách vở, quần áo cũ mang về cho học sinh của mình.
Cũng bởi thương trò nghèo “đói” chữ, một số cô giáo đã quyết tâm định cư, xây dựng gia đình, xem xã Xốp là quê hương thứ hai của mình. Theo thầy giáo Ngô Hữu Quốc, Trường Tiểu học xã Xốp, hiện có 5 cô giáo đã lập gia đình và ở lại đây dạy học. Những tổ ấm này đã và đang đơm hoa, kết trái giữa núi rừng xã Xốp. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các thầy cô giáo vẫn sắp xếp ổn thỏa để chăm lo công tác dạy học. Nhờ vậy, việc dạy học ở ngôi trường vùng sâu này đã đạt được những kết quả tốt.
Thầy Ngô Hữu Quốc vui vẻ khoe: “Tất cả thầy cô giáo ở đây đều đạt danh hiệu dạy giỏi cấp trường. Riêng cô Hường là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, 100% học sinh của trường tốt nghiệp tiểu học; 100% trẻ 6 tuổi của địa phương được đến trường…”.