1.
Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa), Phạm Xuân Diệu ở lại TP Nha Trang dạy học. Điều kiện dạy học ở đất liền hẳn nhiên là tốt hơn nơi đảo xa, nhưng như có điều gì thôi thúc từ bên trong, sau mấy năm dạy học ở đất liền, vào tháng 6-2018, Xuân Diệu quyết tâm đăng ký tình nguyện ra đảo để được cống hiến sức trẻ của mình.
Anh được phân công ra đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa thân yêu. Có điều, để mong muốn kia thành hiện thực, anh cũng phải dành thời gian thuyết phục gia đình, nhất là mẹ, sau đó đến người yêu.
Không giống như ở đất liền, mỗi thầy cô chỉ phụ trách một lớp học. Ở Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, thầy Phạm Xuân Diệu đúng nghĩa là “một mình một cõi” khi vừa dạy học vừa quản lý; không chỉ dạy một lớp mà anh phải dạy từ mầm non đến tiểu học.
Thời điểm tôi gặp Xuân Diệu trong chuyến thăm đảo Sinh Đồn, lớp học của anh có tổng cộng 6 học sinh: 2 em lớp 5, 3 em lớp 2 và 1 cháu mầm non. Xuân Diệu dạy tất cả các môn học cho các cháu ở độ tuổi, khối lớp khác nhau.
Khi tôi tò mò về cuộc sống trên đảo, Xuân Diệu tâm sự: “Giống như ở đất liền, vào thứ bảy và chủ nhật, tôi và học trò sẽ được nghỉ; những ngày còn lại, tôi lên lớp cả sáng lẫn chiều. Trường học cũng là nhà, buổi trưa học trò về nhà, tôi ở lại tự nấu ăn. Ở đây không có chợ. Khoảng 2 tháng sẽ có tàu ra làm nhiệm vụ, tôi nhờ gởi mua đồ ăn, thực phẩm rồi cấp đông để dùng dần. Rau thì tự trồng. Giống như bộ đội, tôi cũng có một khu trồng rau, chủ yếu là bồ ngót, mồng tơi, rau cải, rau dền… Ngoài này không trồng được những loại rau như xà lách, súp lơ… anh ạ! Ở đây, chuồng trại hạn chế nên cũng không nuôi được con gì. Thực ra thời gian đầu, tôi cũng có nuôi gà lấy trứng nhưng sau đảo quy hoạch khu nuôi nên không nuôi nữa. Nước thì thường dùng nước mưa, phải tiết kiệm thôi; nước sau khi rửa rau, rửa chén xong rồi để dành lại tưới rau”.
Xuân Diệu kể, lúc đầu có 2 giáo viên được phân công ra đảo. Những ngày đó, dẫu còn nhiều khó khăn, lại thêm nỗi nhớ nhà nhưng nhờ có 2 người nên công việc được san sẻ. Nhưng vào tháng 12-2022, người đồng nghiệp này đã chuyển công tác sang đảo khác. Thời điểm người đồng nghiệp ấy chuyển đi, Diệu đã thêm hơn 4 năm gắn bó với đảo Sinh Tồn, đã yêu thương những tán bàng vuông, đóa phong ba mộc mạc mà kiên cường. Và trên tất cả, anh cũng thương đảo, yêu thương cán bộ, chiến sĩ và kịp xem những đứa học trò như con cháu mình. Nỗi buồn xa nhà giờ chỉ còn như con sóng lăn tăn vào những ngày biển lặng.
2.
Phạm Xuân Diệu bảo, vào dịp 20-11, học trò cũng nhớ và quan tâm đến thầy. Học trò ở đảo nên cách quan tâm cũng khác. Không phải những bó hoa sặc sỡ hay những vật dụng đắt tiền mà rất thiết thực là những bó rau củ “nhà trồng được” mang đến tặng thầy! Phụ huynh dù thương quý cũng chỉ biết gửi đến thầy những lời chúc tận đáy lòng. Diệu nói, anh không chạnh lòng mà cảm thấy hạnh phúc với những món quà và lời chúc đó. Nó bình dị và chân thành vô cùng!
Thường thì trong gian khó, người ta sẽ thương nhau, nhớ nhau nhiều lắm. Tôi hỏi Phạm Xuân Diệu, khi về có nhớ đảo Sinh Tồn không? Diệu bảo, đương nhiên là nhớ chứ. 5 năm rồi còn gì! Nhớ nhưng phải về vì ở đất liền còn có gia đình, có vợ con nữa. Thông thường, những thầy giáo công tác ngoài quần đảo Trường Sa như Phạm Xuân Diệu mỗi năm sẽ có 1 đợt về phép vào dịp hè. Mùa hè năm 2019, Diệu về bờ, ngoài nghỉ phép còn để thi hành nhiệm vụ cao cả là… cưới vợ!
“Ở nhà, hai bên nội ngoại đã chuẩn bị gần như đầy đủ rồi. Tôi về đến nhà là tổ chức cưới thôi! Cưới nhau chừng 10 ngày thì tôi lại quay ra đảo”, Diệu nhớ lại.
Vợ chồng Xuân Diệu cưới năm trước thì năm sau con trai ra đời. Trong câu chuyện về vợ, không ít lần mắt anh rưng rưng. Đó là khi anh nghĩ đến những thiệt thòi mà người vợ của mình phải trải qua. Ngày vợ vượt cạn, lẽ ra anh phải bên cạnh vợ. Đằng này… Rồi khi con trai ra đời, từ lúc con còn đỏ hỏn đến khi con lớn lên từng ngày, đều do một tay vợ anh chăm bẵm.
Diệu bảo, cũng may vợ anh làm nghề tự do, có nhiều thời gian cho gia đình. Quan trọng hơn, vợ rất thông cảm và chia sẻ với công việc của chồng nên anh cũng yên tâm phần nào khi công tác ở đảo Sinh Tồn. Vậy nên, khi thời gian ở đảo không còn nhiều, Diệu vừa mừng vì sắp được về với gia đình lại vừa buồn khi sắp phải xa đảo.
Anh tâm tình: “Khi về, tôi sẽ rất nhớ đảo, nhớ mọi người vì nếp sống ở đây sau 5 năm đã quá quen thuộc. Nên khi về, chắc phải mất một thời gian, tôi mới làm quen được”.
Sau mỗi lần tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ, Phạm Xuân Diệu đều xua tay. Diệu nói, trước anh đã có nhiều người từng ra đảo, từng cống hiến công sức của mình cho đảo xa, anh chỉ là một phần nhỏ tiếp bước họ thôi!.