Là người Việt, hẳn ai cũng quen thuộc với câu “Cây đa, giếng nước, sân đình”, được xem như là biểu tượng của mỗi làng quê. Có điều, khi nhắc đến những biểu tượng này, đa phần mọi người sẽ nghĩ đến những ngôi làng ở Bắc bộ. Ở một đô thị sầm uất như TPHCM, nhắc đến giếng hẳn không ít người sẽ có cảm giác là lạ. Nhưng giếng Bọng đã trở thành một phần trong đời sống của cư dân phường Trường Thọ hàng trăm năm nay.
Từ giao lộ Hồ Văn Tư - đường số 10, đi thêm khoảng 200m là đến giếng Bọng. Giếng nằm ven đường, dù đã lâu người dân quanh đây không còn sử dụng nước từ giếng để sinh hoạt nhưng giếng vẫn được quét vôi, giữ vệ sinh sạch sẽ. Thỉnh thoảng, không cứ là ngày mùng 1, 15 (âm lịch) hay các dịp lễ, sẽ có người mang dĩa trái cây ra thắp hương. Ngày trước, miệng giếng rộng, có đường kính 2-2,5m, sau này do nhu cầu làm đường nên thu hẹp chỉ còn một nửa.
Không ai nhớ mốc thời gian chính xác giếng Bọng được ra đời, có người nói trên 100 năm, lại có người khẳng định trên 200 năm. Một người dân sống gần giếng Bọng kể, lúc nhỏ, ông đã thấy giếng cũng như được nghe má kể về giếng. Má ông sinh năm 1922 (đã mất), và nếu căn cứ theo mốc thời gian này, thì giếng Bọng có tuổi đời phải trên 100 năm.
“Ngày xưa ở đây còn vườn và đồng ruộng. Ngay chỗ đường Hồ Văn Tư là xưởng cưa, toàn những cây bự. Ghe theo rạch Cầu Ngang chở vô tới đây luôn. Hồi xưa dân còn ít, nước uống, sinh hoạt của dân đều từ giếng Bọng. Dần dần, sau giải phóng, dân di cư về đây ở, nhà cửa san sát. Dân đông, quá trình sinh hoạt khiến giếng trở nên ô nhiễm. Giờ nước giếng vẫn trong nhưng bị nhiễm phèn, lại có nước máy rồi nên không ai dùng nữa”, người dân này cho biết.
Còn sư cô Thích Nữ Tắc Chơn (sinh năm 1955), trụ trì Quan Âm tự (số 26, đường số 10, phường Trường Thọ) thì cho rằng, giếng Bọng có tuổi đời phải trên 200 năm. Mẹ của sư cô là bà Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1932, đã mất), trước được người dân xung quanh yêu mến gọi là “cô Bé Ba chủ đất”. Có tên như vậy bởi vì bà Ba là người kế nghiệp gia đình, sở hữu nhiều đất đai trong vùng. Khi người dân từ nơi khác đến xin miếng đất làm nơi tá túc, vốn là người có lòng thơm thảo nên bà đã không từ chối.
“Hồi còn sống má tui kể, giếng Bọng có từ đời ông sơ ông cố. Trước ở đây còn có nghề làm giá, nên dân chúng thường ra lấy nước về sinh hoạt và làm giá”, sư cô Thích Nữ Tắc Chơn chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở đây nên trong ký ức của sư cô Thích Nữ Tắc Chơn vẫn còn lưu lại hình ảnh giếng Bọng. Sư cô nhớ lại: “Hồi xưa giếng rộng lắm, nước ngang mặt đường, đi qua tát nước lên được, không cần nối dây, chỉ cần lấy gáo là có thể múc được nước. Giếng hồi đó trong và đẹp lắm. Tụi tôi đi học về, chỉ cần ra giếng thò cái gáo xuống là múc được nước tắm”.
Có một điều đặc biệt là ở phường Trường Thọ, dù là giữa đô thị nhưng một số hộ gia đình vẫn có giếng trong nhà, đương nhiên thâm niên không bằng giếng Bọng. Ngay trong Quan Âm tự cũng có giếng, được nhà chùa dùng để tưới cây. Còn giếng sau chùa thì do các nhà xung quanh dùng chung. Các giếng nước này luôn đầy và trong vắt, có thể uống trực tiếp.
Có một giai thoại không rõ thực hư nhưng được nhiều người dân và ngay cả sư cô Thích Nữ Tắc Chơn nhắc đến. Trước năm 1975, do bị nhiễm phèn, người dân không dùng nước từ giếng Bọng nữa nên một số người đã thả rác xuống giếng. Khi ấy, có thời điểm giếng bị lấp, rồi một sự cố xảy ra: chợ Thủ Đức cùng một dãy nhà dân gần đó bị cháy. Sau đó dân làng họp lại, đi đến thống nhất nạo giếng, móc rác lên, hương khói quanh năm. Câu chuyện này đến giờ vẫn còn như một huyền thoại, nhưng có một sự thật mà người dân phường Trường Thọ thừa nhận với nhau là từ khi giếng Bọng được hồi sinh thì cuộc sống của người dân được bình yên đến giờ.
Đã có một số nhà nghiên cứu lên tiếng đề nghị bảo tồn và giữ lại giếng Bọng như một di tích. Có thể ngày đó vẫn còn phải chờ, nhưng có một sự thật là giếng Bọng vẫn nằm lặng lẽ ở đó, như một dấu tích của làng xưa, trở thành nơi chốn linh thiêng đối với người dân phường Trường Thọ. Đó cũng chính là nơi chốn họ thuộc về, và dẫu có đi đâu xa thì nỗi nhớ giếng Bọng vẫn còn đó.
Theo sự phát triển của đời sống, số giếng cổ tại TPHCM còn rất ít, tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là đến nay, giếng Bọng vẫn chưa được công nhận là di tích. Trong một lần trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, ông có nói rằng, di tích phải gắn với một cộng đồng người nào đó. Khi mà di tích không được duy trì, được tôn tạo bởi cộng đồng địa phương thì những người ấy sẽ không có cảm giác thuộc về. “Nơi họ thuộc về quan trọng lắm. Cũng có thể, theo quá trình đô thị hóa hoặc giải tỏa, họ ở chỗ này chỗ kia nhưng người ta vẫn còn nhớ, hoặc những ngày như ngày cúng đình, ngày kỳ yên, người ta sẽ trở về. Điều này rất quan trọng”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nói.