Trong đó, dự thảo có quy định kéo dài hiệu lực của giấy chứng nhận, tem đăng kiểm đối với xe ô tô không kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi (có chu kỳ được tính theo quy định tại Thông tư số 02/2023) và trình tự, phương thức cấp, nhận giấy chứng nhận.
Theo chu kỳ mới, thời hạn kiểm định của xe ô tô loại dưới 9 chỗ không kinh doanh có thời gian sản xuất đến 7 năm được cộng thêm 6 tháng. Khi hết hạn đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm sẽ cấp "Giấy xác nhận" thời hạn tiếp tục có hiệu lực thêm 6 tháng, tính từ ngày đến hạn kiểm định ghi trên giấy chứng nhận, tem kiểm định đã cấp.
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp giấy xác nhận qua phương thức điện tử từ trang thông tin điện tử của Cục. Chủ phương tiện chỉ cần nhập biển số xe, mã số của giấy chứng nhận (trùng với số của tem) đăng kiểm để tải về, in ra bản giấy. Trên giấy xác nhận có mã vạch QR-Code để có thể đối chiếu, kiểm tra, xác thực.
Nội dung giấy xác nhận được ghi rõ biển số xe, số quản lý phương tiện, nhãn hiệu; số khung, số máy; mã số của giấy chứng nhận, tem kiểm định đã được cấp và thời hạn tiếp tục có hiệu lực.
Theo Thông tư số 2/2023 của Bộ GTVT, xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất đến 7 năm được miễn đăng kiểm trong 36 tháng (trước đây là 30 tháng), chu kỳ kiểm định định kỳ là 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây); xe sản xuất từ 7 đến 20 năm (trước đây là 12 năm) chu kỳ định kỳ 12 tháng; xe trên 20 năm chu kỳ là 6 tháng.
Thông tư này cho phép khoảng 3,2 triệu xe các loại được nới chu kỳ kiểm định trên tổng số 5 triệu ô tô trên cả nước. Tuy nhiên, chủ xe vẫn phải đưa xe đi kiểm định trước khi xác nhận sang chu kỳ đăng kiểm mới. Nếu phương tiện được tự động giãn chu kỳ mà không cần kiểm định lại, các trung tâm đăng kiểm sẽ giải quyết được tình trạng quá tải như hiện nay.