Cụ thể, GPLX quốc tế IAA (International Automobile Association) do Hiệp hội ô tô quốc tế IAA có trụ sở đặt tại New York cấp và GPLX quốc tế IDP (International Driving Permit) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 (gọi là Công ước viên) cấp theo một mẫu thống nhất.
Ngoài ra, trên các trang mạng xã hội còn nổi lên thực trạng, một số cá nhân, tổ chức thông tin, quảng cáo về dịch vụ đổi GPLX IAA với hứa hẹn có giá trị sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Theo quy định khoản 1, 2 Điều 3 của Thông tư số 29 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng GPLX quốc tế đã quy định: GPLX quốc tế là giấy phép lái xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của các nước (bao gồm cả khu vực hành chính) tham gia Công ước Viên cấp theo một mẫu thống nhất. GPLX quốc tế có tên tiếng Anh là International Driving Permit, gọi tắt là IDP.
Như vậy, trên cơ sở quy định của pháp luật thì chỉ có GPLX quốc tế IDP do các nước tham gia Công ước viên cấp theo một mẫu thống nhất là có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam, các loại GPLX quốc tế khác (bao gồm GPLX quốc tế IAA) sẽ không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam.
Thời gian qua, CSGT TPHCM kiểm tra có rất nhiều trường hợp xuất trình GPLX quốc tế IAA. Đối với các trường hợp này, đơn vị đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về hành vi “không có giấy phép lái xe”.