Trong số những người tham gia nấu ăn có chị Y Na Trang (thôn Long Nan, thị trấn Đắk Glei), mẹ của học sinh Y Cạn, đang học lớp 2 ở trường. Chị cho biết, có nhiều lúc con chị phải đi học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, nhà chị xa trường, trong khi vợ chồng chị thường đi làm rẫy nên không có ai ở nhà nấu cơm trưa cho con. Vừa qua, nghe trường bảo sẽ nấu ăn trưa cho học sinh, chị rất mừng và đồng ý ngay. “Đồ ăn ở trường đầy đủ, con tôi ăn cứ khen ngon. Hôm nay theo sự phân công của tổ tự quản, tôi lên trường phụ nấu ăn với giáo viên và trông nom các cháu buổi trưa cho đến khi các cháu vào học tiếp buổi chiều thì về. Tính ra một tháng tôi lên trường khoảng 3 lần. Tôi muốn trường tiếp tục duy trì hoạt động nấu ăn buổi trưa này vì nó rất có ích”, chị Y Na Trang nói.
Theo thầy Trần Xuân Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đắk Glei, trường không thuộc diện bán trú nên không có chế độ nấu ăn cho học sinh. Từ tháng 9-2018, khi học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 ở thôn Long Nan chuyển về điểm trường chính học thì quãng đường từ nhà đến trường học xa hơn, việc đi lại khó khăn. Các cháu có ngày học 2 buổi, trong khi nhà khó khăn, bố mẹ thường xuyên lên rẫy nên không có người nấu ăn cho các em. Thực tế có nhiều em sáng học, trưa về nhà nhưng chiều lại không đến lớp, buộc giáo viên phải lặn lội xuống nhà động viên đi học. “Để ngăn các em nghỉ học, chúng tôi nghĩ đến chuyện phải nấu ăn buổi trưa cho 46 học sinh ở thôn Long Nan. Biết rằng việc tự nấu ăn sẽ khiến giáo viên vất vả, lại tốn tiền túi của mình nhưng vì yêu học sinh, không muốn các cháu mất "con chữ" nên quyết tâm phải triển khai. Chúng tôi trình bày ý định này cho phụ huynh và được nhiều người tán thành”, Thầy Ninh nói.
Ban đầu, hàng chục giáo viên của trường tham gia bằng cách bỏ tiền túi, hoặc góp gạo, mì tôm, thịt heo rồi tầm trưa thì nấu ăn cho các em, sau đó mới về nhà lo chuyện gia đình. Sau này, trường kêu gọi thêm phụ huynh cùng hỗ trợ và nhiều người dù không có con em ở lại ăn cơm trưa cũng tự nguyện đóng góp.
“Ngoài ra, một tổ tự quản phụ huynh được thành lập và họ sẽ phân công từng người lên trường để phụ giáo viên nấu ăn, trông coi các cháu buổi trưa cho đến khi các cháu vào học thì về. Ngày thấp nhất thì trường nấu ăn cho 16 học sinh, ngày cao nhất là 46 học sinh. Từ lúc tổ chức nấu ăn, học sinh không còn nghỉ học nữa. Điều này chính là động lực cho giáo viên tiếp tục triển khai công việc nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh thôn Long Nan" thầy Ninh cho biết.
Ông A Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, cho rằng, gia đình nhiều em học sinh còn khó khăn, có lúc học 2 ca, nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con, nên việc trường kêu gọi rồi tự nấu ăn cho các em là điều rất tốt và đáng tuyên dương.