Thổi hồn cho môn học
Chia sẻ về công việc, cô Nguyễn Như Thủy, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú), cho biết, giáo viên phải thật sự yêu và đam mê môn học của mình trước khi đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức. Trong quá trình tổ chức các hoạt động, cô Thủy luôn là người tiên phong trải nghiệm để hiểu được cái hồn và truyền sự yêu thích cho học trò.
Đơn cử, khi dạy tác phẩm “Bếp lửa” trong chương trình Ngữ văn lớp 9, cô không cho học sinh ngồi ở lớp ê a từng câu thơ mà cho các em xuống sân trường, trực tiếp trải nghiệm việc nhóm bếp và cảm nhận mùi khói. Trước đó, cô giáo đã cất công sang tận Khu du lịch Bình Quới (quận Bình Thạnh) xin từng bó lá dừa tươi về nhà phơi khô, làm thành nguyên liệu cho học trò nhóm bếp. Cô phát cho mỗi nhóm học sinh 6 viên gạch, một cái nồi, ít nước lạnh và bao trứng cút. Học sinh phải tự tìm cách nhóm bếp, trực tiếp cảm nhận vị cay, mùi hăng của khói bếp để hiểu được vì sao hình ảnh bếp lửa trở thành một phần ký ức không thể nào quên.
Tiết học tuy mệt, lưng áo ai cũng đẫm mồ hôi nhưng cô giáo vui vì những lời chia sẻ của học trò “Cô ơi, con biết cách nhóm bếp rồi”, “Cô ơi, mùi khói bếp thật khó tả đúng không cô?”. Xã hội hiện đại, con người quen với việc nấu cơm bằng bếp gas, bếp điện. Tiết dạy của cô Như Thủy không chỉ truyền đi tình yêu văn chương mà còn khơi gợi nhiều suy nghĩ cho các em về văn hóa, ý nghĩa phong tục truyền thống.
“Đã chọn theo nghề thì ai cũng có tình yêu nghề, nhưng tôi luôn tự nhủ phải yêu nhiều hơn chữ “yêu”, đặt tâm huyết để xây dựng nên những giờ học mới lạ, tạo được hứng thú cho học trò”, cô Thủy bày tỏ.
Truyền đam mê cho học trò
Cô Nguyễn Thị Tính, giáo viên Trường THPT Phú Hòa là một trong những tấm gương nhà giáo luôn tận tụy với sự nghiệp “đưa đò”. Cô luôn tâm niệm, dạy học môn Văn không chỉ giúp học sinh cảm nhận cái hay của tác phẩm mà từ tác phẩm liên hệ cuộc sống hàng ngày.
Thông qua học Văn, học sinh còn học nhân cách làm người. Với đặc thù trường học có chất lượng đầu vào thấp, học sinh không được phân ban khoa học xã hội và khoa học tự nhiên từ năm lớp 10, nhiều học sinh chán môn Văn, cô Tính phải tìm nhiều cách để khơi gợi tình yêu của các em đối với môn học. Trong các tiết dạy, cô thường kể cho học trò nghe về những thăng trầm cuộc đời mình. Gia đình đông anh chị em, ba mẹ tảo tần buôn bán, chật vật kiếm cái ăn nên mong ước được đến trường từng có lúc phải ngưng lại. Nếu không nỗ lực và kiên trì theo đuổi ước mơ, cuộc đời cô có lẽ đã rẽ theo hướng khác.
Từ bài học đó, cô muốn truyền cho học sinh ý chí và tinh thần nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, không chùn bước khi gặp khó khăn. Các tiết học Văn với cô Tính không chỉ là bài giảng trong sách giáo khoa mà đôi khi là những buổi ngồi nói chuyện ở thư viện, trong sân trường hoặc quán cà phê. Từ những giờ học đặc biệt đó, bao thế hệ học sinh đã khôn lớn, trưởng thành với lý tưởng sống cao đẹp, biết rèn luyện trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Với thầy Hoàng Đăng Quang, giáo viên Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), gia tài dạy học không chỉ là kết quả học tập của học sinh trên lớp mà còn là bảng vàng thành tích đưa các đoàn học sinh Việt Nam tham gia sân chơi quốc tế. Hiện môn tin học không được xem là môn chính trong chương trình giáo dục phổ thông nhưng với sự nhiệt tình và bản lĩnh của mình, thầy Đăng Quang đã thắp lên tình yêu môn học với nhiều học sinh. Kinh nghiệm tham gia các sân chơi quốc tế giúp thầy nhận ra rằng, trình độ và khả năng tin học của học sinh Việt Nam không hề thua kém bạn bè thế giới.
Nỗ lực đến ngày cuối cùng
Thầy Đỗ Khánh Giang, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là một trong 3 giáo viên có tuổi đời lớn nhất trong số 15 thầy, cô giáo được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay ở bậc trung học. Với chất giọng hào sảng, người con đất Cần Giuộc (Long An) kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời dạy học nhiều thăng trầm. Năm 1984, mới tốt nghiệp ra trường, thầy giáo trẻ được phân công về dạy học tại xã Cần Đước, tỉnh Long An. Ròng rã dạy học suốt 6 năm, cuộc sống quá khó khăn, thầy xin chuyển công tác về TPHCM nhưng không đơn vị nào tuyển dụng. Không đầu hàng, chàng trai trẻ rẽ hướng qua nghề khác.
Những tưởng giấc mơ bục giảng mãi gác lại thì năm 1997, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tuyển dụng giáo viên môn Toán nên một lần nữa lòng yêu nghề thôi thúc, thầy đã nộp đơn ứng tuyển. May mắn đã mỉm cười. Hành trang trở lại nghề giáo với người thầy không còn trẻ vẫn là sự say mê trong từng tiết dạy, luôn nỗ lực tìm kiếm phương pháp dạy học mới để truyền đi tình yêu môn Toán đến học trò. Điều kiện kinh tế chật vật, thầy mày mò tự học thêm về công nghệ thông tin, mạnh dạn sử dụng công cụ hỗ trợ như máy tính bảng, phần mềm dạy học nhằm sinh động hóa bài giảng, giúp tiết học Toán không còn khô khan với những con số.
Tuy nổi bật với nhiều sáng kiến về ứng dụng công nghệ thông tin nhưng thầy Khánh Giang cho biết, máy móc chỉ là phương tiện kỹ thuật, quan trọng là nội dung - phần hồn của bài giảng chuyển tải những gì cho học sinh. Thế mạnh của môn Toán so với các môn học khác là dạy học sinh khả năng tư duy. Vì vậy, với quan điểm “phương pháp dạy học hiệu quả nhất là phương pháp đơn giản nhất”, thầy Khánh Giang không lạm dụng công cụ cầu kỳ, thay vào đó chỉ dạy kiến thức cơ bản, tạo cơ hội cho học sinh động não, tìm phương pháp giải phù hợp.
21 tháng còn lại trong hành trình cống hiến, thầy Khánh Giang cho biết sẽ không ngừng phấn đấu. Nụ cười giòn tan dù mái đầu đã điểm bạc nhưng thầy khẳng định, tình yêu nghề sẽ trọn vẹn đến ngày cống hiến cuối cùng.
Danh sách giáo viên THCS và THPT được trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm nay:Võ Duy Quang, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Thập (quận 7) Nguyễn Kim Hùng, giáo viên Trường THCS Lữ Gia (quận 11) Đoàn Ngọc Dũng, giáo viên Trường THCS Phạm Đình Hổ (quận 6) Nguyễn Quốc Việt Cường, giáo viên Trường THPT An Nhơn Tây Nguyễn Thị Vân Trang, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Lê Thị Tuyết Anh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền Lê Văn Bình, giáo viên Trường THPT Trung Phú Trần Minh Chính, giáo viên Trường THPT Bình Chánh Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du Trịnh Quốc Hùng, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Lê Thanh Long, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Sáng Nguyễn Như Thủy, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú) Nguyễn Thị Tính, giáo viên Trường THPT Phú Hòa Hoàng Đăng Quang, giáo viên Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) Đỗ Khánh Giang, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai |