Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022

Giáo viên tiểu học: Tỏa sáng trái tim người thầy

Bậc tiểu học đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục phổ thông, đặt những nền móng đầu tiên về kỹ năng và kiến thức cho học sinh tiếp tục học lên các bậc cao hơn. Thầy, cô  ở trường tiểu học ngoài việc truyền thụ kiến thức còn bồi dưỡng về đạo đức, giúp học sinh trở thành người có đầy đủ đức - trí - tài, đóng góp cho xã hội.    
Thầy Hồ Xuân Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11), tận tình chỉ dẫn học sinh trong từng động tác
Thầy Hồ Xuân Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11), tận tình chỉ dẫn học sinh trong từng động tác

 Bước ra khỏi vùng an toàn

Ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với cô Lê Ngọc Huyền Thu, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận 5), là người có nguyên tắc sống khá rõ ràng. Khi còn trẻ, cô nhiệt tình tham gia tất cả hoạt động phong trào của đoàn thể. Song khi bước qua tuổi 35, cô nhường lại sân chơi cho đồng nghiệp trẻ. Đối với việc đứng lớp, cô yêu cầu học sinh không được để sách vở bị quăn góc, chữ viết không cần đẹp nhưng phải rõ ràng, học sinh đi học đầu tóc phải gọn gàng. 

Ấy vậy mà trong một lần chuẩn bị hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, lớp có ý tưởng tổ chức cho học sinh múa dân vũ bài Nối vòng tay lớn, nhưng khi đăng ký, cả lớp chỉ có 6 bạn tham gia. Lý do được các con đưa ra là chưa múa bao giờ. Để động viên tinh thần học sinh, cô giáo đề nghị tham gia múa cùng các con, dù trước đó bộ môn múa hoàn toàn xa lạ với cô. “Tôi chưa từng tham gia một tiết mục múa, nay phải đứng trên sân khấu biểu diễn trước nhiều người nên rất ngại. Nhưng nếu mình không bước ra khỏi vùng an toàn thì học sinh cũng không dám. Kết quả, tiết mục múa của lớp giành giải nhất toàn trường trong hội diễn văn nghệ”, cô Huyền Thu nhớ lại. 

 Khi làm công tác chủ nhiệm, cô Huyền Thu luôn tìm cách kết nối với học trò, tạo sự tin yêu, gần gũi, thay vì áp đặt các em. Cô cho biết, dù là người sống theo lý trí, nhưng nghề giáo buộc cô phải lắng nghe tiếng nói của trái tim nhiều hơn. Trong bối cảnh xã hội thay đổi, quan hệ thầy - trò bị ảnh hưởng bởi truyền thông và mạng xã hội, giáo viên phải thay đổi quan điểm dạy học trên tinh thần động viên, khuyến khích học sinh. Lớp có học sinh cá biệt, cô vẫn chủ động giao việc cho các em. Bạn có thói quen giấu giày sẽ được cô Thu giao nhiệm vụ xếp kệ giày cho cả lớp. Bạn hay nói chuyện riêng trong giờ học sẽ được phân công làm lớp phó kỷ luật. Cứ như thế, học sinh luôn được cô trao cơ hội để sửa sai, chứng tỏ năng lực cá nhân.   

Giáo dục bằng tình thương

Đối với cô Trần Thị Thanh Tuyết, giáo viên Trường Tiểu học Phú Lâm (quận 6), mỗi khi học sinh phạm lỗi, cô không phê bình trước lớp mà hẹn gặp riêng các em. Vài năm trước, có một học sinh trong lớp bị các bạn tẩy chay vì cho rằng con ăn cắp tiền của bạn khác. Cô Tuyết không vội la rầy mà tìm hiểu nguyên nhân, tạo cơ hội cho học sinh mở lòng chia sẻ lý do. Sau khi biết được nguyên nhân con làm vậy để có tiền mua quà sinh nhật tặng mẹ, cô đã phân tích cho học sinh hiểu hành động lấy trộm tiền là sai, gợi ý cho con cách giải quyết là gửi lại cô số tiền đó để cô trả lại cho bạn, nhưng cô sẽ tặng lại con đúng số tiền đó để thưởng về hành động biết sai và sửa lỗi của con. Đáng nói, việc này mãi mãi là bí mật giữa cô và con, bạn bị mất tiền rồi được trả lại không biết ai lấy. Mẹ con vẫn hạnh phúc vì món quà sinh nhật do con trai mua tặng. Quan trọng hơn hết, bản thân con không bao giờ lặp lại hành động lấy trộm tiền. 

“Giáo dục bằng tình thương có tác dụng lâu dài vì tác động đến suy nghĩ, nhận thức của học sinh hơn những lời la mắng. Tôi quan niệm, trẻ lớn lên trong sự phê bình sẽ trở thành người thích chỉ trích, ngược lại nếu lớn lên bằng tình thương sẽ mạnh dạn, tự tin, trở thành người sống có ích”, cô Tuyết bày tỏ. 

Cũng với phương châm giáo dục để yêu thương, thầy Đỗ Minh Hoàng, giáo viên Trường Tiểu học Phan Huy Ích (quận Tân Bình), cho biết, thu nhập của giáo viên thể dục khiêm tốn hơn các bộ môn khác, nhưng làm được gì cho học sinh, thầy sẽ làm. Sợ học sinh chấn thương khi học môn bi sắt, thầy âm thầm mua banh nhựa về nhà, dùng đục khoét lỗ sâu bên trong, đổ xi măng vào đó cho banh nặng hơn làm bi sắt cho học sinh thi đấu. 

Lớp nhựa của vỏ banh bên ngoài giúp xi măng bên trong không bị vỡ mỗi khi va chạm. Học sinh học nhảy dây, dây nhựa dễ đứt nên sẽ có những mối nối rất bén. Thầy nảy ra ý tưởng mua dây thừng về để tăng độ bền của dây, sau đó dùng ống nhựa bọc hai bên tay cầm để thuận tiện cho học sinh sử dụng. Những dụng cụ tập luyện tự chế cứ thế ra đời trong niềm vui học tập của cả thầy lẫn trò…

Một cách làm khác, để dạy học sinh ý thức sống trách nhiệm, cô Ngô Thị Bích Ngọc, giáo viên khối 5, Trường Tiểu học Âu Cơ (quận Tân Phú), đã có ý tưởng kết hợp với học sinh thực hiện tác phẩm Sáng tác lời chúc, tri ân đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Mất hơn một tháng cô - trò miệt mài chuẩn bị, tác phẩm gồm rất nhiều tranh vẽ, hình ảnh sưu tầm, một bài vè tự sáng tác như món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Qua đó, học sinh hiểu được ý nghĩa của sự hy sinh, xác định trách nhiệm của bản thân là cố gắng học tập, tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch để góp phần nhỏ công sức xây dựng đất nước.

Nghị lực sống vững vàng

Nhìn cô Phan Thụy Vân Trinh, Tổ trưởng chuyên môn khối 2, Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức), nhanh nhẹn trong các hoạt động dạy học trên lớp, khó ai tin rằng, cách đây 8 năm về trước, cô từng phát hiện khối u ở tuyến giáp. Sức khỏe tụt dốc không phanh nhưng nhờ sự lạc quan, cô chưa một ngày ngưng đến lớp. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, năng lượng cô muốn lan tỏa đến học trò là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, khối lượng công việc của giáo viên nhiều hơn dù nội dung dạy học giảm tải, buộc người thầy phải liên tục đầu tư chất xám, dành nhiều thời gian soạn giáo án và làm đồ dùng dạy học nhưng chỉ cần nỗ lực sẽ thành công. 

Với thầy Hồ Xuân Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11), giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời đã đi qua. Sau nhiều năm điều trị, căn bệnh ung thư ác tính chẳng những chưa lấy đi của thầy cơ hội sống mà còn trở thành động lực giúp thầy sống có ích, muốn giúp đỡ nhiều người hơn. Gần 30 năm qua, câu lạc bộ đá cầu của Trường Tiểu học Phú Thọ trở thành nơi ươm mầm cho biết bao thế hệ vận động viên tài năng của đất nước. Người cha khai sinh ra câu lạc bộ đó - thầy Xuân Hùng - không chỉ gầy dựng bằng tâm huyết mà cả sự tận tâm, tình nguyện đưa đón học sinh đi tập luyện và thi đấu. 

Mỗi cuối tuần, người thầy cao gầy bôn ba qua tận các quận Bình Tân, huyện Bình Chánh chở học sinh đến Trường Tiểu học Phú Thọ tập luyện đá cầu. Sự gần gũi, chăm sóc, yêu thương của thầy giúp học trò đạt nhiều thành tích cao qua các hội thi cấp thành phố và quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh “nhà nhà đưa công nghệ vào giảng dạy”, thầy giáo U50 cũng mày mò sưu tầm tranh ảnh, các đoạn video trên mạng về kỹ thuật đá cầu trình chiếu cho học sinh xem, qua đó giúp các em tìm ra phương pháp thi đấu tiết kiệm sức, hạn chế chấn thương và đạt thành tích cao. 

Vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh, 10 giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về tinh thần tự học và hy sinh, trở thành ngọn đuốc sáng soi đường cho biết bao thế hệ học sinh tiếp bước.

Ngoài ra, danh sách giáo viên đạt giải Võ Trường Toản năm nay ở bậc tiểu học còn có các thầy cô:


- Cô Huỳnh Trương Thanh Mai, giáo viên Trường Tiểu học Lê Công Phép (quận Bình Tân)


- Cô Hà Thị Ngọc Uyên, giáo viên Trường Tiểu học Tây Bắc Lân (huyện Hóc Môn)


- Cô Trang Thị Nhàn, giáo viên Trường Tiểu học An Phú Tây (huyện Bình Chánh)


- Thầy Phạm Tuân, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp)

Tin cùng chuyên mục