Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022

Giáo viên THPT - Tự hào “người thắp lửa”!

Ba năm THPT là chặng đường nước rút đối với học sinh phổ thông. Ở đó, thầy cô không chỉ đóng vai trò truyền thụ kiến thức mà còn là người truyền lửa, giúp học sinh xác định mục tiêu học tập phù hợp bản thân. 

Dạy học làm người

Tuần qua, giờ học môn Ngữ văn của học sinh lớp 12A15, Trường THPT Võ Thị Sáu được tổ chức theo hình thức “học theo trạm”. Cụ thể, học sinh lần lượt đến các trạm giải quyết từng nhiệm vụ học tập khác nhau. Ở trạm 1, các em tìm hiểu về cuộc đời nhà văn Nguyễn Tuân; trạm 2, khái quát nội dung tác phẩm Người lái đò sông Đà; trạm 3, luận điểm về hình tượng sông Đà; và trạm 4, nghiên cứu hình ảnh người lái đò. 

Cô Trần Thị Vinh Đạm, giáo viên Trường THPT Võ Thị Sáu - “Người đưa đò” tận tụy của nhiều thế hệ học sinh
Người đổi mới phương pháp dạy học này là cô Trần Thị Vinh Đạm, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Võ Thị Sáu. Cô cho biết, cái hay của người giáo viên là làm sao liên hệ kiến thức môn học vào thực tế cuộc sống, qua đó tích hợp giáo dục tri thức, đạo đức cho học sinh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, song song với các giờ học trên lớp, cô đã tổ chức cho học sinh thăm và tặng quà trẻ em mồ côi, phát bữa ăn sáng miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Các hoạt động thiện nguyện nhằm giúp học sinh có cơ hội cọ xát thực tế, qua đó biết trân quý cuộc sống và tình yêu thương con người.


Năm nay, vinh dự là một trong 10 giáo viên bậc THPT được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản, cô Vinh Đạm cho biết, muốn tặng phần thưởng này cho người mẹ nhiều năm qua tảo tần nuôi các chị em cô khôn lớn. Tuổi thơ khốn khó ở mảnh đất quê hương Lâm Đồng, cô và các anh, chị trong nhà thường hái lá chuối làm tập, tận dụng chân nhang, hòn than làm viết. 

Hình ảnh “cô giáo mẹ” trong bộ quần áo bà ba, tóc búi củ tỏi, trán lấm tấm mồ hôi - người thầy đầu tiên dạy cho cô vần điệu ca dao, phép tính, con chữ đầu đời trở thành ký ức đẹp mang theo suốt cuộc đời. Hình ảnh đó đã gieo vào lòng đứa con gái nhỏ ước mơ trở thành cô giáo. Trải qua nhiều năm đi dạy, hành trang cô Đạm mang theo là dùng nhân tâm để đối đãi và cảm hóa học trò. Trong dạy học, cô luôn áp dụng nguyên tắc “5T” gồm: tận tâm - tận tụy - tận tình - tận lực và tận hiến, giúp học trò phát triển không chỉ tri thức mà cả đức - trí - mỹ, nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp khi làm người. 

Phát huy sáng tạo của học sinh

Đối với cô Nguyễn Thái Xuân, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là món quà chia tay nhiều ý nghĩa khi cô kết thúc hành trình 31 năm đứng trên bục giảng vào cuối tháng 11-2022. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có ai theo nghề giáo, hình ảnh đẹp về những người thầy, người cô trong những năm học phổ thông khiến cô chọn nghề sư phạm. 

Mỗi giờ học đều được cô Xuân “hô biến” thành một hành trình cho học sinh khám phá thế giới văn chương đầy màu sắc. Kiến thức cô truyền đạt không đóng khung trong sách giáo khoa mà luôn gợi mở nhiều vấn đề cho học sinh tìm hiểu thông qua hệ thống câu hỏi mở. Ở đó, giáo viên không áp đặt suy nghĩ của mình lên học sinh mà trân trọng từng ý kiến phản hồi, ý tưởng mới của học sinh. 

Mới đây nhất, khi học tác phẩm Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, với khổ thơ Dẫu xuôi về phương bắc/ Dẫu ngược về phương nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương, học sinh đã so sánh trái tim người phụ nữ với chiếc la bàn có chức năng định hướng trong tình yêu. “Cách so sánh này khá hay và mới lạ, thể hiện khả năng cảm thụ sâu của học sinh nên tôi đánh giá cao ý tưởng của em. Thông qua hình tượng sóng, tôi muốn các em phân tích sâu hơn về nét đẹp trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, dù đây không phải nội dung trọng tâm của sách giáo khoa”, cô Thái Xuân cho biết. 

Ngày nay, theo xu hướng phát triển của xã hội, học sinh có khuynh hướng chọn các môn khoa học tự nhiên để cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường tốt hơn. Trước thực tế đó, nhằm giúp học sinh yêu thích môn Ngữ văn, giờ học môn Văn luôn được cô Xuân lồng ghép giáo dục đạo đức hoặc kỹ năng sống.

Với cô Phan Thị Thu Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh, Trường THPT Phú Nhuận, dạy học không đơn thuần là gieo kiến thức mà còn nhằm mục tiêu truyền cảm hứng cho học trò. Sản phẩm của nghề tuy không nhìn thấy được bằng mắt nhưng qua thời gian sẽ đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, hiện nay do thu nhập của nghề giáo còn hạn chế nên nhiều người giỏi không vào sư phạm. Do đó, để tạo ra những thế hệ học trò có chất lượng, để giáo viên yên tâm công tác, thu hút nhiều thí sinh giỏi theo nghề sư phạm, bên cạnh việc tự mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi, bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn, cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn. 

Cô Thu Hằng nêu ý kiến: Hoa không thể trồng ở nơi thiếu nắng, trẻ không nên dạy với chút ít nhiệt tình. Một khi đã chọn nghề sư phạm, giáo viên phải toàn tâm toàn ý với nghề, không nên đứng núi này trông núi nọ. Trong bối cảnh cả nước đang triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, vai trò người thầy càng trở nên quan trọng. Theo đó, các thầy, cô cần đổi mới tư duy dạy học, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh thông qua các hoạt động thuyết trình, đóng kịch, thảo luận nhóm giúp học sinh làm chủ việc học, tăng tính tương tác, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học.

Đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo vào dạy học

Là giáo viên bộ môn Tin học, thầy Đỗ Quốc Anh Triết, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào dạy học cho học sinh. Chia sẻ với PV Báo SGGP, thầy Anh Triết cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đẩy mạnh ứng dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống, qua đó giúp học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng nghiên cứu, phản biện, tìm giải pháp cho một vấn đề đặt ra trong cuộc sống. “Trong tất cả vấn đề, tôi muốn học sinh là người tìm ra lời giải cho chính bài toán của mình, thầy cô chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp các em có hướng xử lý đúng đắn”, thầy Anh Triết chia sẻ. 

Năm học 2022-2023, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu đẩy mạnh trong toàn ngành. Đây vừa là nhu cầu, đồng thời là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh tất cả ngành nghề lao động trong xã hội đều hướng đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy tối đa trí thông minh nhân tạo. Hòa chung dòng chảy đó, học sinh và giáo viên cũng không ngừng nỗ lực, phát triển các dự án nghiên cứu khoa học theo hướng thông minh, tăng khả năng ứng dụng vào thực tiễn. 

Em Phan Thị Anh Tú, học sinh lớp 10CH2, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết: “Trí tuệ nhân tạo đã trở nên quen thuộc với học sinh. Dù là lĩnh vực mới trong dạy học, nhưng nhờ được thầy cô hướng dẫn tận tình, em tìm thấy niềm vui và hứng thú khi tiếp cận với công nghệ”. 

Danh sách giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản 
ở bậc THPT năm nay còn có các thầy, cô:
- Cô Trần Thị Ngọc Tuyền, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi
- Cô Dương Thị Ngọc Sương, giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo
- Cô Nguyễn Thị Cẩm Hà, giáo viên Trường THPT Thủ Đức
- Cô Tống Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường THPT An Nhơn Tây
- Thầy Lâm Đông Vượng, giáo viên Trường THPT Hùng Vương
- Thầy Phạm Đức Minh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân

Tin cùng chuyên mục