Kiếm thêm thu nhập từ nghề tay trái
Mới đây, tại lễ khai mạc giải thi đấu bóng đá học đường dành cho học sinh tiểu học, thầy Phan Tuấn Anh, giáo viên thể dục (GVTD) Trường Tiểu học Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) cho biết, theo quy định chung của giải đấu, mỗi đơn vị tham gia được cấp 5 trái banh phục vụ tập luyện và thi đấu. “Nếu như ở các trường nội thành, việc trang bị thêm 5 - 10 trái banh cho học sinh tập luyện không phải quá khó nhưng đối với trường ở ngoại thành, đa số phụ huynh đều kiếm sống từ nghề nông và có thu nhập không ổn định, giáo viên sẽ là người bỏ tiền túi mua thêm banh cho các em tập”, thầy Anh chia sẻ. Thêm vào đó, sân bãi tập luyện vẫn là giấc mơ ngoài tầm với đối với nhiều trường ở ngoại thành. Trường không có sân bóng, thầy phải bỏ tiền túi thuê sân bóng tư nhân cho học sinh luyện tập. Kinh phí hỗ trợ của ban giám hiệu hạn hẹp nên từ chai nước suối, đồng phục thi đấu cho học sinh, thầy đều tận dụng các mối quan hệ cá nhân tài trợ cho học trò. “Mỗi lần có giải đấu, vì thương học trò của mình chịu nhiều thiệt thòi, tôi không ngại bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để các em được tập luyện. Nhiều trường hợp tôi phải lặn lội đến tận nhà thuyết phục phụ huynh cho các em thi đấu”, thầy Tuấn Anh cho biết. Khi được hỏi về thu nhập, người giáo viên có dáng người cao gầy, gương mặt hiền lành này cho biết ngoài việc dạy ở trường, hai ngày cuối tuần anh đều nhận hàng về làm thêm ở nhà, kiếm thêm thu nhập từ nghề tay trái.
Đồng cảnh ngộ, thầy giáo Nguyễn Tấn Tới, GVTD Trường Tiểu học Nhị Tân (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) cho biết đã có 40 năm theo đuổi nghề giáo, trong đó hơn 10 năm gắn bó với công tác dạy thể dục. “Những năm đầu nhận nhiệm sở, tôi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Song khi trường phân bổ lại nhân sự, xét thấy tôi có năng khiếu và đam mê bộ môn thể dục nên chuyển tôi qua công việc này. Hiện nay, ngoài thu nhập chính từ lương, mỗi tháng tôi còn nhận thêm 900.000 đồng phụ cấp công việc”, thầy Tới bày tỏ. Tuy nhiên, trăn trở chung của thầy Tới cũng như rất nhiều GVTD khác là với quy định hiện nay, cách tính phụ cấp tăng thêm đối với giờ dạy phụ trội dành cho GVTD chưa tính đến sự khác biệt giữa các vùng, miền. Cụ thể, đối với những trường học ở địa bàn dân số đông, tổng sĩ số học sinh cao, phân thành nhiều lớp, giáo viên có nhiều điều kiện dạy tăng tiết và hưởng thu nhập phụ trội. Nhưng đối với những đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, tổng sĩ số học sinh ít, giáo viên dù trống tiết cũng không thể có tiết dạy phụ trội. Thực tế đó kéo theo hệ quả tổng thu nhập giảm sút, đời sống giáo viên gặp nhiều khó khăn. Do đó, theo kiến nghị của nhiều đơn vị, lãnh đạo TPHCM cần nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện để họ được cống hiến, sống ổn định với nghề.
Gỡ khó bài toán thu nhập
Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg ban hành ngày 16-11-2012 quy định chế độ bồi dưỡng thêm bằng tiền ngoài lương và các khoản phụ cấp dành cho GVTD. Theo đó, mức bồi dưỡng được tính bằng 1% mức lương tối thiểu chung cho một tiết giảng thực hành. Tuy nhiên, do khác nhau số tiết thực dạy nên tổng số tiền nhận được của giáo viên giữa trường này với trường kia sẽ khác nhau. Về mặt phân cấp quản lý, đối với đơn vị trực thuộc quận, huyện, việc giao kinh phí và duyệt quyết toán sẽ do UBND quận, huyện thực hiện. Đối với các đơn vị thuộc Sở GD-ĐT quản lý, phân bổ kinh phí và duyệt quyến toán thuộc thẩm quyền của Sở GD-ĐT. Thực tế cho thấy do khác nhau cách điều hành và phân bổ kinh phí nên đã xảy ra nhiều trường hợp cùng ở khối tiểu học, giáo viên quận này được nhận phụ cấp sớm hoặc nhiều hơn ở quận kia. Mặt khác, hiện nay đã có một số địa phương ưu tiên phát triển giáo dục thể chất và có các chính sách kêu gọi tư nhân đầu tư sân bãi thi đấu, phối hợp với các trung tâm huấn luyện thể dục thể thao miễn/giảm giá vé cho học sinh. Trong khi đó, ở nhiều nơi khác phong trào thể dục thể thao mới dừng ở mức phát triển tự thân, trường học chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía UBND quận, huyện.
Ngoài ra, theo chia sẻ của nhiều giáo viên, quy định giáo viên không được dạy thêm ở bậc tiểu học hiện nay của Bộ GD-ĐT chỉ áp dụng cho các môn học chính khóa. Riêng đối với môn thể dục, do được xếp là một trong những môn năng khiếu nên giáo viên không bị cấm dạy thêm, thậm chí còn được khuyến khích dạy thêm ở các trung tâm để được cọ xát, thường xuyên rèn luyện tay nghề, nâng cao nghiệp vụ. Song, các thầy, cô chưa được tạo nhiều điều kiện tham gia giảng dạy ở bên ngoài. Nhiều trường vẫn còn tình trạng quản lý GVTD theo dạng ký hợp đồng, không có chế độ phụ cấp rõ ràng. Do đó, về lâu dài, để cải thiện đời sống cho đội ngũ này cần có thêm nhiều chính sách chăm lo từ UBND quận, huyện, trong đó vai trò tham mưu, đề xuất của phòng GD-ĐT hết sức quan trọng.