Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường tiểu học căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung, thời lượng dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, không gây quá tải cho học sinh.
Các trường không được giao thêm bài tập về nhà cho học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường; bố trí thời khóa biểu đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Hiệu trưởng các trường tiểu học chỉ đạo giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tổ chức hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình, qua đó đồng hành cùng nhà trường thực hiện chương trình phổ thông mới.
Riêng đối với giáo viên lớp 1 cần chú ý tận dụng tối đa các tiết thực hành, ôn tập, ôn luyện để hỗ trợ, hướng dẫn học sinh hình thành các kỹ năng cơ bản, hỗ trợ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập. Giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục để xác định yêu cầu cần đạt đối với học sinh theo từng “chặng” (giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2, cuối năm học), từ đó linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học sao cho gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng học sinh; thiết kế các trò chơi học tập nhằm kích thích hứng thú học tập của học sinh.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, TPHCM quy định giáo viên không được sử dụng hình thức nhắn tin (hoặc các hình thức tương tự) nhận xét về những học sinh học tập chưa như mong muốn, tránh gây áp lực tâm lý cho phụ huynh và học sinh.