Chia sẻ với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết người thầy theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ là người truyền thụ tri thức qua các bước giảng dạy trên lớp mà còn là người truyền cảm hứng, giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, khả năng tương tác để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Tuy nhiên, “để giáo viên có thể trở thành người truyền cảm hứng cho học sinh thì bản thân họ phải được khơi nguồn cảm hứng. Chỉ khi người dạy cảm thấy hạnh phúc mới tạo ra được một lớp học với những học sinh hạnh phúc”, ông Phú bày tỏ.
Trong 2 giờ diễn thuyết, diễn giả đã tổ chức rất nhiều hoạt động như đập bong bóng, vẽ hình trên giấy, hỏi đố tương tác, ngồi thiền giúp giáo viên cởi bỏ gánh nặng tâm lý, có cái nhìn tích cực hơn về vai trò của người làm chủ trong lớp học.
Cô Cai Hải Oanh, giáo viên thể dục khối 12, chia sẻ: “Là giáo viên, trước nay chúng tôi được giao nhiệm vụ truyền cảm hứng cho học sinh. Nhưng mỗi thầy, cô lại có hiểu biết khác nhau về “truyền cảm hứng”. Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp trải nghiệm cũng như có cái nhìn đầy đủ, rõ nét hơn về khái niệm này”.
Cô Oanh cho biết sẽ sử dụng nguồn năng lượng tích cực mà cô và các đồng nghiệp thu nhận được từ buổi nói chuyện hôm nay để nhân rộng hơn đến học trò, giúp học sinh có được hứng thú, tích cực, chủ động hơn vào mỗi giờ lên lớp.
Đồng quan điểm, một giáo viên Tổ Toán của trường cho biết, buổi nói chuyện không chỉ giúp các thầy, cô học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm quý báu, mà qua đó còn giúp tinh thần được thoải mái, giảm stress, có những ý tưởng và phương pháp giảng dạy tốt hơn trên lớp.
Hiện nay, đời sống vật chất của người giáo viên đang được cả xã hội quan tâm, trong khi các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đều chung tay tìm ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện đời sống, giúp các thầy, cô giáo yên tâm sống trọn vẹn hơn với nghề.
Tuy nhiên, yếu tố tinh thần cũng là một trong những điều kiện quan trọng giúp những người “kỹ sư tâm hồn” có thêm động lực nuôi dưỡng niềm đam mê, biết cách tạo ra năng lượng và truyền cảm hứng tích cực đó đến học trò. Chỉ khi đời sống vật chất và tinh thần được hài hòa, người giáo viên sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh vun bồi tri thức, tạo ra những thế hệ học trò năng động, tự tin.