Những “người mẹ” đặc biệt
“Phúc à, con lắp vòng màu vàng vào cột 3 nhé. Đúng rồi, con giỏi quá!”; “Khang ơi, con nhường vòng màu đỏ cho Vượng nghen…”. Đáp lại những lời động viên của cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy, Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (TP Thủ Đức) là những tiếng ú ớ la hét, vẫy tay, đạp chân giận dỗi. Lớp can thiệp sớm do cô Thủy phụ trách có 10 trẻ bị đa tật, được chia thành 5 ca học/ngày. Đa số trẻ bị ảnh hưởng não, mắc chứng tự kỷ, tăng động, bệnh thần kinh, rối loạn ngôn ngữ…
Với mỗi trẻ, cô đều dành khoảng thời gian đầu theo dõi để xây dựng giáo án riêng sát với mức độ bệnh. Ở đây, các em được dạy những kỹ năng cơ bản như đi, đứng, vệ sinh cá nhân… - điều tưởng đơn giản nhưng là cả kỳ tích với trẻ khuyết tật.
Cô Nguyễn Ngọc Thủy, Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (TP Thủ Đức), hướng dẫn kỹ năng cho học trò |
Ánh mắt đong đầy niềm hạnh phúc, cô Nguyễn Ngọc Thủy chia sẻ, 32 năm trong môi trường giáo dục đặc biệt, biết bao câu chuyện vui buồn với nghề, có lúc cô cũng “chông chênh” muốn bỏ cuộc. Thế nhưng, mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ dường như đã tiếp thêm sức mạnh, giúp cô vơi bớt mệt mỏi. Tình thương dành cho các em đã dần bồi đắp tình yêu nghề, giúp cô vững tin vào con đường mình đã chọn.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Phó hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền, TP Thủ Đức, và học trò trong giờ học kỹ năng sống |
Tương tự, cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Phó hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (TP Thủ Đức), có 20 năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt này. Đặc biệt là bởi cả 104 em học sinh đang theo học tại trường đều chậm phát triển trí tuệ. Nhớ lại những ngày đầu sau khi tốt nghiệp cử nhân giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận quyết định về Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền công tác, bản thân cô Huệ lúc đó chưa có kinh nghiệm, còn lóng ngóng với việc chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ. Trải qua nhiều tháng vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cô đã dần hiểu được tâm lý của các em, thuần thục trong thao tác chăm sóc y tế, dạy dỗ học sinh. Cô kiên trì giúp các em điều chỉnh ngôn ngữ, ít nhất là phát âm rõ chữ. Những kỹ năng cá nhân đơn giản đó là bước nền giúp trẻ có thể tương tác với xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Người “đãi cát tìm vàng”
Nhớ lại gần 18 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo về trung tâm công tác, cô Trịnh Thị Hạnh, giáo viên môn Sử, Trung tâm GDNN-GDTX quận Tân Phú, tâm sự, lúc đó trung tâm còn “ở nhờ” tại Trường THCS Lê Anh Xuân do mới được tách ra từ Trung tâm GDNN quận Tân Bình. Cơ sở nhỏ hẹp, mưa thì dột mà nắng thì nóng, bàn ghế xập xệ, thiếu thốn đủ bề. Học sinh khi bước vào trung tâm đa số có hoàn cảnh khó khăn, tự ti, mặc cảm trước định kiến “học lực yếu, cá biệt” nên luôn có tư tưởng “học cho xong”. Trong những lúc mệt mỏi, cô luôn được đồng nghiệp sẻ chia, được chồng động viên, san sẻ chuyện nhà, kể cả sẵn sàng bỏ tiền túi giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đóng học phí, để các em không phải bỏ học. Đây là những động lực để cô gắn bó với nghề đến nay.
Cô Trịnh Thị Hạnh, Trung tâm GDNN-GDTX quận Tân Phú, trong giờ dạy tại lớp 12B15 |
Được giao nhiệm vụ tổ trưởng môn Sử, phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trung tâm đi thi học sinh giỏi cấp thành phố, cô Trịnh Thị Hạnh xác định, công tác này phải có chiến lược lâu dài, không chỉ trong năm học mà phải chuẩn bị từ trước đó. Ngay từ cuối năm học lớp 9, cô đã rà soát danh sách học sinh khá, giỏi để lên danh sách, thành lập đội tuyển cho khối 10. Nếu việc tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi thường được tổ chức sau ngày khai giảng thì ngay trong hè (bắt đầu từ tháng 7), cô đã mở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Sử. Những em được chọn vào đội tuyển không chỉ có học lực khá, giỏi, có năng khiếu mà còn phải có sự say mê, chăm chỉ và yêu thích môn học.
Cô Trịnh Thị Hạnh và đội ngũ thầy, cô giáo còn chủ động trong thời khóa biểu lên lớp, thường từ 4-5 tiết trong 1 tuần. Do có lòng đam mê nên cô, trò tự giác và chủ động trong việc xếp thời khóa biểu, không tạo áp lực lớn trong học tập. Sự tận tụy với nghề, ngày đêm đồng hành cùng học sinh của cô Trịnh Thị Hạnh đã giúp học sinh của trung tâm gặt hái được nhiều thành tích cao. “Ở bất cứ nơi nào, dù mảnh đất màu mỡ hay khô cằn, nếu người thầy tận tụy, hết lòng vì học trò, mảnh đất đó sẽ nở hoa”, cô Trịnh Thị Hạnh đúc kết.
Ngày 16-11, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức gặp mặt 50 nhà giáo là cán bộ quản lý, giáo viên được trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023. Giải thưởng có sự đồng hành của Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Tại đây, các cán bộ, nhà giáo đã cùng nhau ôn lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, Giải thưởng Võ Trường Toản ghi nhận sự lan tỏa, tận tâm, nhiệt tình, sáng tạo của các thầy, cô giáo, được học sinh và phụ huynh kính trọng, yêu thương.
Thay mặt các giáo viên được trao giải, thầy Đặng Thanh Huấn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Phước (huyện Cần Giờ), cho biết, cái “tâm” của người thầy không chỉ thể hiện qua các bài giảng trên lớp mà còn là sự quan tâm cuộc sống, những vất vả của học sinh.
Ở góc độ khác, theo cô Lê Thị Tuyết Lan, giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú), hạnh phúc của người giáo viên là kết nối những bài học trong sách vở với thực tế cuộc sống, giúp học sinh hiểu được chính mình, hiểu cuộc sống, biết cách vận dụng những điều đã học để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hôm nay (17-11), 50 cán bộ, nhà giáo được trao Giải thưởng Võ Trường Toản sẽ được vinh danh tại Hội trường Thành phố. Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
THU TÂM