Ngày 31-8, Cục 12 thuộc Tổng cục II, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân cho Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung, nguyên cán bộ Cụm H63, Phòng Tình báo Miền, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Thượng úy Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, thường gọi là Tám Thảo, năm nay 86 tuổi.
Trung tướng Phan Văn Việt, Chính ủy Tổng cục II cho hay, danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định phong tặng là sự ghi nhận công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nhung. Trong 45 năm phục vụ cách mạng, nhất là trong hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ giao thông viên bí mật của Cụm tình báo H63, bà Tám Thảo đã trực tiếp chuyển, nhận tài liệu, sự chỉ đạo của tổ chức và tài liệu tối mật từ điệp viên – Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn, vượt qua các trạm, bốt gác dày đặc trong nội đô Sài Gòn về chiến khu an toàn.
Nổi bật trong những chiến công đó là lần bà Tám Thảo nhận nhiệm vụ vận chuyển 24 cuốn phim Kodak từ nội thành Sài Gòn ra Củ Chi vào năm 1961. Cũng như bao lần khác, bà Tám Thảo nhận tài liệu từ điệp viên Phạm Xuân Ẩn, giấu kín trong giỏ, ăn mặc tươm tất “về quê ăn giỗ”. Bà Tám Thảo bắt xe đò đi từ Củ Chi, khi xe chạy tới địa phận Hóc Môn thì bị địch chặn lại, khám xét. Lúc này, nếu không xử lý nhanh thì sẽ hỏng việc. Bà Tám Thảo đã bình tĩnh, ứng biến mau lẹ trước tình huống. Khi bị yêu cầu xuống xe, bà Tám Thảo chủ động đứng ngay cạnh tên chỉ huy của địch, chủ động gợi chuyện khiến hắn không chú ý vào mình. Đến khi xét xong mọi người, tên chỉ huy lệnh cho mọi người lên xe thì mới sực nhớ ra người phụ nữ trước đó đứng ngay bên cạnh mình. Khi bị gọi hỏi, bà Tám Thảo lại cười nói tự tin khiến cho tên chỉ huy không mảy may nghi ngờ và cho qua. Nhờ vậy, bà Tám Thảo đã bảo vệ an toàn tài liệu, đưa về căn cứ giao tận tay cho lãnh đạo của mình là đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh. Sau này, đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, đó là những tài liệu hết sức quan trọng của Mỹ, giúp ta nắm được ý đồ, biện pháp thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” cũng như kế hoạch phối hợp với Chính quyền Việt Nam Cộng hòa để đàn áp cách mạng miền Nam.
Từ năm 1965, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến hết sức ác liệt. Yêu cầu nắm thông tin địch càng trở nên bức thiết hơn. Đến năm 1966, bà Tám Thảo được giao nhiệm vụ phải thâm nhập vào một cơ quan của Mỹ. Bà Tám Thảo đã tự vạch kế hoạch thi vào ngành thông dịch viên để làm việc cho cố vấn Mỹ, để có điều kiện thu thập tin tức có giá trị cao. Khi trúng tuyển, bà Tám Thảo được nhận 4 địa chỉ để tự chọn việc và bà Thảo đã chọn làm thông dịch viên cho một thiếu tá cố vấn tình báo người Mỹ tại Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Trên cương vị điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc là thông dịch viên tại cơ quan Tình báo Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa, bà Tám Thảo đã thu thập được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng. Đặc biệt là bà Tám Thảo đã lấy được sơ đồ, bố trí lực lượng của Tổng Bộ Hải quân Việt Nam Cộng hòa; tài liệu đánh giá của Mỹ và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương đưa ra những nhận định về khả năng phản công của Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Bên cạnh đó, bà Tám Thảo nắm được tin về một cơ sở của ta hoạt động trong Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa bị lộ và có nguy cơ bị bắt, bà Tám Thảo đã kịp thời báo cáo tổ chức để rút cơ sở về căn cứ an toàn.
Trong suốt Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, bà Tám Thảo đã phối hợp chặt chẽ cùng điệp viên Phạm Xuân Ẩn và Cụm trưởng Tư Cang, không quản hiểm nguy, thường xuyên theo sát diễn biến, cung cấp tin tức về tình hình và biến động, thủ đoạn đối phó và vây ráp của địch. Những tin tức này đã phục vụ tốt cho ta đánh giá đúng tình hình, tương quan lực lượng và diễn biến cuộc chiến đấu.
Trong thời gian Cụm trưởng Tư Cang hoạt động ở nội thành Sài Gòn, bà Tám Thảo và gia đình đã bảo vệ an toàn cho đồng chí Tư Cang. Bà Tám Thảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông Tư Cang và Cụm tình báo H63 hoạt động hiệu qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi đã chọn làm người chiến sĩ vô danh, hoạt động âm thầm", bà Tám Thảo xúc động chia sẻ .
Sau ngày hòa bình, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung tiếp tục công tác tại Đoàn 1752, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1979, bà chuyển ngành về Sở Văn hóa – Thông tin TPHCM. Từ năm 1993, bà Tám Thảo nghỉ hưu, sinh sống tại quận Phú Nhuận, TPHCM.