TPHCM có kế hoạch cụ thể phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống tàu điện ngầm (MRT), xe buýt nhanh (BRT) để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Thực hiện các kế hoạch trên đòi hỏi nhiều thời gian, nên lúc này cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật, phát triển giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) để góp phần kéo giảm ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.
Đất chật, người đông và kẹt xe triền miên
TPHCM hiện có gần 9 triệu người, nếu tính cả số người nhập cư không đăng ký thì phải trên 10 triệu người. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ người dân thành phố sở hữu phương tiện cá nhân khoảng 0,9 người/phương tiện. Cụ thể, thành phố có khoảng 8,12 triệu xe gắn máy và gần 830.000 ô tô. Đó là chưa kể số xe của người lao động từ tỉnh - thành khác vào TPHCM làm việc.
TPHCM là nơi đất chật, người đông, với mật độ trung bình hiện nay khoảng 4.285 người/km2. Riêng một số nơi như ở quận 3, quận 4, quận 5, quận 10, quận 11… có mật độ dân số rất cao, gấp nhiều lần mức trung bình chung của toàn thành phố. Người đông nhưng TPHCM hiện chỉ có khoảng 3.800 tuyến đường, tổng chiều dài gần 3.700km, với chủ yếu là đường nhỏ (70% đường có bề rộng dưới 7m) và hầu hết các nút giao thông (khoảng 4.300 nút giao) là giao cắt đồng mức. Nghịch lý về hạ tầng giao thông tại TPHCM còn thể hiện rõ ở tỷ lệ diện tích giao thông/diện tích xây dựng hiện chỉ đạt 8,2%. Trong khi, theo Nghị định 11/2010 của Chính phủ, tỷ lệ này phải từ 24% đến 26% mới đáp ứng lý tưởng mức độ tăng trưởng dân số và cân bằng giao thông đô thị.
Cũng theo thống kê, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông hầu hết là do người điều khiển giao thông vi phạm (đi không đúng làn đường, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia…). Tỷ lệ này của năm 2018 lên đến 93%.
Từ các số liệu thống kê trên cho thấy, có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan gây ra các vấn nạn an toàn và ách tắc giao thông của TPHCM lâu nay. Theo đó, quy hoạch giao thông từ trước còn hạn chế, không nhìn nhận đúng giá trị tiêu chuẩn tỷ lệ phân bổ quy hoạch hạ tầng giao thông. Trong khi diện tích đất giới hạn nhưng tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Dân số, nhất là người nhập cư tăng đã tạo sức ép về nhiều mặt (như giáo dục, y tế, giao thông, môi trường…) đối với thành phố. Nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông tăng, nhưng phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng. Do đó, người dân chọn xe giao thông cá nhân, gây ra ách tắc giao thông thường xuyên. Hệ quả dẫn đến là gây trì trệ phát triển kinh tế, du lịch và làm giảm chất lượng môi trường sống, an ninh - an toàn xã hội của thành phố.
Nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Luân Đôn (Anh) đã có các giải pháp giải quyết bài toán giao thông đô thị hiệu quả. Từ các bài học kinh nghiệm này, TPHCM cần làm tốt và quyết định nhanh trong chọn lựa thực hiện theo lộ trình các giải pháp, từ phát triển hạ tầng giao thông đến phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân. Yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo giao thông TPHCM theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ lợi ích trung tâm là con người.
Tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển
Cứ 3 - 5 chiếc xe máy chiếm diện tích đất dành cho giao thông bằng 1 chiếc ô tô 4 chỗ. Như vậy, nếu chỉ 15% số người đi xe gắn máy hiện nay chuyển sang sử dụng ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) thì ách tắc giao thông ở TPHCM sẽ càng thêm nghiêm trọng. Trong điều kiện kinh tế phát triển, xu hướng chuyển từ xe máy sang ô tô cá nhân là tất yếu. Về lâu dài, ô tô cá nhân sẽ gây ra kẹt xe trầm trọng chứ không phải xe gắn máy. Vì vậy, việc hạn chế sử dụng xe cá nhân cần phải tính đến, nhất là hạn chế ô tô, như tăng phí đăng ký xe mới, nâng các loại thuế phí khác khi tham gia giao thông hoặc thu phí nội đô (ERP) để hạn chế ô tô vào trung tâm. Đối với xe máy thì đơn giản hơn, chỉ cần cấm hoặc hạn chế theo tuyến đường.
Mấu chốt của giải pháp này là phải vừa tăng tiện ích giao thông công cộng, vừa giảm tiện ích đối với người đi ô tô và xe gắn máy. Việc này sẽ giúp người dân dần có thói quen sử dụng giao thông công cộng. Khi thực hiện các giải pháp này, nhất là các giải pháp tác động đến nhiều người dân thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng tình. Tuyên truyền là một trong các yếu tố then chốt nhưng từ trước đến nay TPHCM chưa chú trọng.
Bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, bố trí nhiều đường một chiều, xe buýt nhanh phục vụ người dân, TPHCM cũng cần đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật công nghệ, phát triển giao thông thông minh. Chẳng hạn việc triển khai hệ thống camera an toàn giao thông và áp dụng hình thức xử phạt nguội nặng đối với các trường hợp vi phạm giao thông như đi ngược chiều - sai đường, vượt đèn đỏ… Giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh thì dần dần, người dân sẽ có ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông hơn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Mặt khác, sử dụng camera an ninh với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt cũng sẽ góp phần quản lý, truy bắt tội phạm hiệu quả, giúp cuộc sống của người dân thành phố an toàn hơn.
Cùng với đó là triển khai hệ thống biển báo giúp người dân lựa chọn hướng di chuyển, giảm ùn tắc giao thông và giải pháp điều khiển giao thông thông minh; điều hướng nơi đậu xe, hạn chế tiện ích cho các phương tiện cá nhân (hạn chế không cho đỗ xe trên lòng - lề đường, vỉa hè) để tăng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Như vậy, giao thông thông minh sẽ giúp việc đi lại của người dân hiệu quả hơn, do tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển. Kết quả là tình trạng giao thông, chất lượng không khí được cải thiện, từ đó nâng cao chất lượng sống cho người dân và còn tạo điều kiện trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của TPHCM.
Cần quyết sách mạnh mẽ Bài học Nhật Bản những năm 60 giúp nhận rõ tại sao phải phát triển hạ tầng giao thông và giao thông công cộng. Cụ thể, sau chiến tranh thế giới thứ hai và đặc biệt là việc 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki bị ném bom hạt nhân, san bằng mọi thứ. Lúc này, Nhật Bản mạnh mẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và giao thông công cộng. Trong 5 năm, họ xây dựng xong trục đường sắt cao tốc dài 515km (Tokyo - Osaka); đồng thời phát triển mạng lưới đường xương cá kết nối vào. Bài toán giao thông được giải quyết, góp phần vào sự phát triển kinh tế chóng mặt của Nhật Bản. Đi nhanh hơn là Singapore, với việc xác định tầm nhìn, lập kế hoạch và hành động. Singapore có tầm nhìn quy hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, kết hợp với thu phí nội đô hạn chế phương tiện đi vào trung tâm theo giờ và quy hoạch nút giao, đường 1 chiều (với tỷ lệ trên 90%) giúp giải tỏa hoàn toàn ách tắc giao thông và phát triển kinh tế dịch vụ - vận tải và du lịch, hướng tới lợi ích trung tâm là con người - người dân. Một số nơi lấy kinh nghiệm từ Singapore và triển khai thu phí nội đô thành công là Luân Đôn (Anh), Canada, Mỹ, Đức… Các bài học kinh nghiệm như thế không thiếu. Việc cần là phải có quyết sách mạnh mẽ của cấp lãnh đạo trong tính toán về sự phù hợp của các giải pháp, rồi từ đó áp dụng vào nước ta nói chung và TPHCM nói riêng theo lộ trình. |
Ông PHẠM ĐÔNG QUÂN, phường 14, quận Phú Nhuận: Phục vụ người dân tốt hơn Việc lãnh đạo TPHCM kêu gọi người dân đóng góp, hiến kế cho TPHCM là một bước đột phá đặc biệt. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng TPHCM hiện đại, tạo ra các dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn. TPHCM đang tập trung xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Cần lưu ý, một đô thị hiện đại, thông minh thì trước tiên, các cơ cấu phục vụ trên nhiều lĩnh vực phải thông minh, ứng dụng khoa học - công nghệ. Đối với lĩnh vực giao thông thì không chỉ nhìn xe cộ di chuyển rồi bật đèn xanh, đèn đỏ để xe chạy hay ngừng mà cần hình thành, phát triển trung tâm điều hành giao thông thông minh. Từ đó, việc thu thập dữ liệu liên quan đến giao thông hoàn toàn tự động, phân tích, đưa ra các thông tin cảnh báo cho người dân cũng như phục vụ hữu ích các quyết định điều khiển giao thông. ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông đang lưu thông thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ cho việc lưu thông tối ưu trên đường cao tốc nhằm giảm tai nạn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Như vậy, cư dân đô thị thông minh hay không thông minh cũng đều nhận được sự phục vụ tốt hơn. |