Phương tiện chen chúc từ miền Tây về TPHCM
Ghi nhận trong ngày 3-5, ngày cuối của kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày, do người dân chủ động đi sớm, lực lượng cảnh sát giao thông tích cực hướng dẫn phân luồng nên giao thông ở các khu vực cửa ngõ của TPHCM cơ bản đảm bảo an toàn, tuy nhiên ở một số khu vực, tuyến đường trọng điểm, tình trạng ùn ứ đã xảy ra.
Ở cửa ngõ phía Đông, từ quốc lộ 13, quốc lộ 1 (tỉnh Bình Dương) hướng về ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), các phương tiện di chuyển rất chậm. Đặc biệt, khoảng 18 giờ 30, giao thông khu vực này có hiện tượng rối loạn, dòng xe ken kín nhích từng chút một.
Tại Bến xe miền Đông, từ chiều tối, lượng xe khách ở các tỉnh về bến bắt đầu tăng dần, chủ yếu là từ các địa điểm du lịch như Phan Thiết, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... về lại TPHCM. Tuy nhiên tình trạng giao thông ở đây không bị ùn ứ.
Còn tại cửa ngõ phía Tây, tình trạng tắc nghẽn diễn ra thường xuyên tại đoạn quốc lộ 1 - cầu Bình Điền và nút thắt cổ chai Tân Tạo thuộc huyện Bình Chánh. Gần 17 giờ, trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn cầu Bình Điền, huyện Bình Chánh), hàng ngàn phương tiện xếp hàng dài. Dòng ô tô di chuyển chậm, trong khi xe máy phải leo lên lề đường để lưu thông. Đến 18 giờ, dòng phương tiện liên tục dồn về khu vực trên càng khiến tình hình giao thông trở nên căng thẳng. Tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), quốc lộ 1A - Võ Trần Chí (qua địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) rất đông ô tô và xe máy nối đuôi nhau di chuyển vào các quận trung tâm thành phố. Tuy nhiên, do tại các giao lộ đều có lực lượng CSGT điều tiết nên dù di chuyển chậm nhưng không xảy ra tình trạng kẹt xe.
Tại Bến phà Cát Lái (nối TP Thủ Đức, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), từ 16 giờ lượng phương tiện của người dân từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở lại TPHCM tăng cao. Do lượng hành khách qua phà tăng cao nên tại đầu Bến phà Cát Lái (phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) các phương tiện đã phải xếp hàng dài gần 2km dưới cái nắng oi bức.
Sân bay đông khách
Đến cuối giờ chiều ngày 3-5, các tuyến đường cửa ngõ Hà Nội có mật độ phương tiện đông nhưng không ùn ứ kéo dài như dự báo. Nguyên nhân là do người dân lo ngại ùn tắc giao thông nên đã quay trở lại thủ đô sớm hơn kế hoạch. Tuy nhiên, một số điểm nóng như nút giao Pháp Vân - Giải Phóng, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông… mật độ phương tiện rất đông, di chuyển chậm. Các tuyến đường trước cửa các bến xe lớn như đường Giải Phóng đoạn qua Bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, đường Phạm Hùng qua Bến xe Mỹ Đình xảy ra tình trạng taxi, xe ôm đón khách lộn xộn, cản trở giao thông.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, trong ngày 3-5, sân bay này khai thác 427 lượt chuyến bay, trong đó có 213 chuyến đến với 38.000 hành khách. Vào các khung giờ cao điểm từ 12 giờ đến 13 giờ, từ 17 giờ đến 18 giờ, từ 19 giờ đến 23 giờ, sân bay Nội Bài đạt hơn 2.500 khách/giờ cao điểm. Mặc dù ga đến đông khách nhưng nhờ hệ thống xe buýt, taxi sân bay hoạt động hết công suất nên hành khách được giải tỏa khá nhanh, không xảy ra ùn ứ cả trong và ngoài nhà ga.
Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, trong ngày 3-5, sân bay Tân Sơn Nhất đón từ 55.000 - 60.000 lượt khách (trong nước), tương đương dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Do nhiều chuyến bay đến và đi vào giờ cao điểm nên gây áp lực lớn đến công tác điều phối xe phục vụ người dân. Trước tình hình này, Cảng vụ hàng không miền Nam đã làm việc với các hãng xe hoạt động tại sân bay, huy động đủ nguồn lực (tài xế, số lượng xe) phục vụ khách; đồng thời yêu cầu các hãng hàng không, đơn vị phục vụ mặt đất tăng cường nhân sự hướng dẫn hỗ trợ hành khách, hạn chế tối đa việc hủy chuyến, chậm chuyến.
Thêm nữa, đường băng 25R/07L sân bay Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác trở lại sau 2 tháng tạm đóng để nâng cấp, giúp sân bay có thể khai thác 40 slot (lượt cất hạ cánh) mỗi giờ, thay vì chỉ 32 - 33 slot, góp phần giải tỏa hành khách vào dịp cao điểm lễ.
* Trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trong chiều cùng ngày, lượng ô tô lưu thông theo chiều từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh Nam Trung bộ về TPHCM tăng cao nhưng không gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đến 17 giờ 30 cùng ngày lượng xe từ các tỉnh trở về trên tuyến này bắt đầu tấp nập hơn. Có thời điểm bị ùn ứ cục bộ do phải chờ qua trạm thu phí. * Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vào khoảng 17 giờ, hàng trăm xe ô tô, xe gắn máy từ TP Vũng Tàu nối đuôi nhau trên quốc lộ 51 đi về TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và TPHCM. Tại đoạn qua nút giao thông ngã tư Vũng Tàu (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa), lượng xe cộ qua lại rất đông, gặp lúc trời mưa gây ngập nên xe máy chen chúc nhau chạy lên lề đường, gây rối loạn giao thông. |