Chậm nhưng đúng quy hoạch
- Phóng viên: Từ nhiều năm qua, theo đánh giá của không ít chuyên gia, phần lớn các công trình giao thông tại TPHCM được xây dựng là để… giải quyết hậu quả ùn tắc giao thông do những bất cập trong quản lý đô thị gây ra. Ví dụ như xây cầu vượt ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao khác mức Mỹ Thủy (quận 2)… Ông nghĩ sao về nhận định này?
* Ông Bùi Xuân Cường: Một trong những nội dung quan trọng của Luật Xây dựng là các công trình được xây dựng đều phải phù hợp với quy hoạch, công trình giao thông cũng vậy. Tất cả công trình giao thông được xây dựng trong thời gian qua đều phù hợp với đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh năm 2013. Vấn đề ở đây là do thiếu kinh phí thực hiện và công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và kéo dài nên hầu hết các công trình này đều triển khai chậm so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư các khu dân cư, khu đô thị, cao ốc… khá “nóng”, trong khi hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư đồng bộ nên người dân và nhiều chuyên gia đã có nhận định như trên. Ngay như việc xây dựng các cầu vượt nhằm giải quyết ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hay làm nút giao thông Mỹ Thủy để giải bài toán quá tải cho khu vực cảng Cát Lái… đều phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Nếu như chúng ta có đủ kinh phí thực hiện các công trình giao thông đồng bộ như đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM xác định, đúng tiến độ thì sẽ khắc phục được tình trạng bất cập như hiện nay.
- Trong phát triển đô thị, các chuyên gia hay nói “giao thông phải đi trước một bước” thì đô thị mới phát triển bền vững. Vậy trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ngành giao thông TPHCM sẽ có những công trình giao thông nào thực sự “đi trước một bước” để góp phần cho thành phố phát triển bền vững hơn?
* Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng TPHCM cũng đã có một số công trình giao thông được đầu tư trước để tạo động lực cho thành phố phát triển. Ví dụ, để tiến về hướng Nam, TPHCM đã đầu tư trước đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Nguyễn Văn Linh hay đầu tư trước 4 tuyến đường trục quan trọng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển. 4 tuyến đường này bao gồm đại lộ Vòng cung dài 3,4km, đường ven hồ trung tâm dài 3km, đường ven sông Sài Gòn dài 3km và đường châu thổ trên cao dài 2,5km. 4 tuyến đường được thiết kế đáp ứng yêu cầu về giao thông của đô thị hiện đại, có tầm vóc quốc tế, hợp thành trục giao thông xương sống, kết nối toàn bộ các khu chức năng của đô thị mới Thủ Thiêm với hệ thống giao thông khu vực…
Bây giờ với cơ chế đặc thù mà TPHCM được Trung ương cho thí điểm thực hiện, nhiều khó khăn về cơ chế tạo vốn đã được tháo gỡ nên việc đầu tư hệ thống giao thông theo đúng nguyên tắc “giao thông phải đi trước một bước” là ưu tiên hàng đầu của ngành giao thông vận tải. Việc triển khai thực hiện dự án xây cầu Cát Lái nối TPHCM và tỉnh Đồng Nai là một ví dụ. Theo đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, không có cầu Cát Lái, nhưng nay để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch cũng như để tạo điều kiện liên kết giữa các địa phương trong Vùng TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải cùng tỉnh Đồng Nai và TPHCM đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào quy hoạch giao thông TPHCM. Trên cơ sở này, dự án sẽ sớm được thực hiện. Tương tự, dự án xây cầu Cần Giờ (vượt sông Soài Rạp, kết nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) cũng đang được TPHCM nỗ lực thực hiện để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Cần Giờ…
Sẽ điều chỉnh quy hoạch giao thông phù hợp với quy hoạch xây dựng
- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Vùng TPHCM. Trên cơ sở này, TPHCM đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố. Các chuyên gia thường nói, trong đô thị, hệ thống giao thông ví như bộ xương… Vậy trong bối cảnh này, Sở GVTV TPHCM có tính đến việc điều chỉnh đồ án quy hoạch giao thông vận tải cho phù hợp? Nếu có, sẽ điều chỉnh theo hướng nào? Đặc biệt, khi trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Vùng TPHCM vừa được Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển đô thị ở những vùng đất có nền địa chất tốt… Hiện nay, dường như nhiều dự án xây dựng công trình giao thông của TPHCM vẫn chủ yếu được thực hiện ở khu vực phía Nam?
* Trong thời gian vừa qua, nhiều công trình giao thông đã được xây dựng để tạo động lực cho thành phố phát triển theo các hướng phát triển đô thị chính đã được quy hoạch là hướng Đông và hướng Nam. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải là quy hoạch ngành, theo nguyên tắc phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng TPHCM và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM. Do vậy, sau khi Quy hoạch chung xây dựng Vùng TPHCM đã được điều chỉnh thì Quy hoạch chung xây dựng TPHCM chắc sẽ được điều chỉnh cho phù hợp và như thế đồ án Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM cũng sẽ được xem xét lại trên nguyên tắc kế thừa quy hoạch hiện nay và phù hợp với định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung điều chỉnh.
- Đồ án quy hoạch phát triển các tuyến metro, BRT, monorail của TPHCM chủ yếu hướng về khu vực nội đô và hầu như chưa vươn ra các vùng ngoại ô để thực hiện việc giãn dân… Nên chăng, cần xem xét, điều chỉnh lại đồ án quy hoạch này?
* Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, TPHCM sẽ có 8 tuyến metro, 3 tuyến monorail, 5 tuyến BRT… Các tuyến này đều được kết nối từ trung tâm ra ngoại thành, thậm chí kết nối với các địa phương lân cận nhằm mục đích giãn dân và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương. Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên không chỉ tới Suối Tiên mà đang được triển khai kết nối tới tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Do kinh phí thực hiện quá lớn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, năng lực thực hiện dự án còn hạn chế… nên buộc dự án phải chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 từ Bến Thành tới Suối Tiên và giai đoạn 2 từ Suối Tiên đi các tỉnh. Tuyến metro số 2 Bến Thành kéo dài tới huyện Củ Chi để phát triển đô thị mới Tây Bắc. Tuy nhiên, giai đoạn 1, dự án sẽ làm từ Bến Thành tới Tham Lương. Tuyến metro số 3 cũng vậy, từ Bến Thành kéo dài tới Tân Kiên (Bình Chánh) nhưng giai đoạn 1 thực hiện tới Bến xe miền Tây… Trong thời gian tới, khi rà soát đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM và đồ án Quy hoạch giao thông vận tải TPHCM để điều chỉnh, việc quy hoạch xây dựng các tuyến metro, BRT, monorail… cũng sẽ được rà soát lại cho phù hợp hơn với tình hình thực tế.
- TPHCM đã có bài học rất hay khi khai thác quỹ đất 2 bên đường để làm vốn ở dự án xây đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Tại sao ngành giao thông không phát huy bài học hay này trong bối cảnh ngân sách để lại cho thành phố bị cắt giảm?
* Để triển khai và nhân rộng được bài học này cần có sự điều phối thực hiện đồng bộ giữa các ngành: giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, quy hoạch - kiến trúc, tài chính, kế hoạch - đầu tư…. Hiện nay, TPHCM đã thành lập mô hình “Tổ đầu tư” liên ngành; trong đó có chức năng nghiên cứu, triển khai việc tạo vốn từ khai thác quỹ đất khi phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong nhiều hội nghị kêu gọi đầu tư về hạ tầng của thành phố, lãnh đạo TPHCM cũng đã đặt ra vấn đề này và coi đó là một trong những giải pháp quan trọng để tạo vốn phát triển đô thị.
- Cảm ơn ông!