So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông đã giảm 29 vụ, số người chết giảm 60 người, số bị thương giảm 51 người. Mặc dù có giảm nhưng số vụ tại nạn giao thông vẫn còn hàng ngàn vụ. Vì sao như vậy? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường về vấn đề này. Ông Tường cho biết:
Đây là hệ quả của tổng hợp nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đáng kể đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Tính đến tháng 6-2017, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 7,4 triệu mô tô, hơn 650.000 ô tô. So với cùng kỳ năm 2016 đã tăng 5,67%. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành. Theo thống kê, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhân mạng nhiều nhất tập trung vào nguyên nhân do lái xe cơ giới lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Có hơn 92% vụ tai nạn giao thông liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.
Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa duy trì thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi, gây mất trật tự an toàn giao thông; đặc biệt, tại khu vực chợ tự phát trên đường Hiệp Bình quận Thủ Đức, gần đường sắt Bắc - Nam.
Ngay cả lực lượng chuyên trách nòng cốt là Cảnh sát giao thông do bị căng kéo vào nhiều nhiệm vụ khác nhau nên cũng chưa đảm bảo việc thường xuyên, liên tục tuần tra khép kín địa bàn.
* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố trong nửa đầu năm nay?
- Ông Nguyễn Ngọc Tường: Thành phố không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào nghiêm trọng trong 6 tháng đầu năm nay; tuy nhiên, tình trạng ùn ứ giao thông lại diễn biến phức tạp, thường xuyên vào các giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, trong đó chủ yếu tại các tuyến cửa ngõ, đường xuyên tâm, đường ra vào cảng. Chúng tôi ghi nhận xảy ra 2 vụ ùn ứ giao thông nghiêm trọng tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50 thuộc huyện Bình Chánh và quốc lộ 22 thuộc quận 12. Các vụ ùn ứ này xảy ra do các nguyên nhân tổng hợp như trời mưa to, đèn tín hiệu bị hỏng và có ô tô chết máy tại giữa giao lộ.
Bên cạnh đó, tình trạng ùn ứ phương tiện kéo dài, xảy ra cũng xảy ra thường xuyên trên tuyến đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái kéo dài ra đường Mai Chí Thọ (thuộc quận 2) do lượng xe vào cảng nhiều và thủ tục giải quyết xe ra vào cảng còn chậm, thường kéo dài từ 7-10 phút/xe.
* Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe vẫn còn xảy ra hàng chục vụ. Ông nói gì về điều này?
- Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã xảy ra 22 vụ thanh thiếu niên tụ tập đua xe, gây rối trật tự công cộng. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 4 vụ. Lực lượng chức năng đã xử lý 52 trường hợp vi phạm với các lỗi như lưu thông thành đoàn, lạng lách, tụ tập dàn hàng ngang, sử dụng pô xe không có bộ phận giảm thanh… và tạm giữ 64 mô tô.
Nhìn chung, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng thời gian qua diễn ra phức tạp và thường xuyên vào hầu hết các ngày trong tuần. Các đối tượng này sử dụng trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để tụ họp thành các nhóm liên kết, hẹn thời gian, địa điểm; thậm chí cắt cử người theo dõi hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông để thay đổi địa điểm tụ tập; từ đó gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, xử lý của lực lượng chức năng.
* Có giải pháp đáng chú ý nào trong công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm nay?
- Tôi cho rằng, để công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho thành phố trong thời gian tới đạt được hiệu quả cần có biện pháp tổng hợp; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý sai phạm và tiếp tục hướng tổ chức giao thông hợp lý, khoa học.
Tương tự, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm không chỉ là việc của lực lượng công an thành phố mà còn là trách nhiệm của chính quyền các quận huyện, các lực lượng thanh tra chuyên ngành…
Đối với công tác tổ chức giao thông, điểm mấu chốt là chỉ có thể khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu nếu giao thông đi lại được tổ chức chặt chẽ, khoa học hơn. Sở GTVT cần tăng cường chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn kịp thời duy tu hệ thống đường bộ, rà soát và hoàn thiện hệ thống biển báo, cấm xe tải, xe container lưu thông vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông…