Giáo sư Phạm Phụ qua đời

Giáo sư Phạm Phụ (sinh ngày 11-12-1937, quê quán Quảng Ngãi), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã qua đời lúc 23 giờ ngày 13-10.


Giáo sư Phạm Phụ (sinh ngày 11-12-1937, quê quán Quảng Ngãi), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã qua đời lúc 23 giờ ngày 13-10.

Giáo sư Phạm Phụ tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội ngành “Công trình trên sông và trạm thuỷ điện” năm 1960. Từ năm 1976, ông chuyển vào Nam và công tác tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM). Ông đã nhận được các danh hiệu cao quý như giáo viên giỏi cấp bộ, chiến sĩ thi đua, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng 3...

Giáo sư Phạm Phụ qua đời ảnh 1 GS Phạm Phụ phát biểu tại một hội thảo về tự chủ đại học năm 2011 
Theo PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, Giáo sư Phạm Phụ là người rất tâm huyết với giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH Việt Nam nói chung. Ông là người có công lớn nhất trong việc hình thành (người sáng lập) nên ngành Quản lý công nghiệp, hiện giờ là Khoa Quản lý công nghiệp của trường. Để sáng lập một ngành quản lý trong trường kỹ thuật lúc bấy giờ là sự đột phá rất lớn. Sau sáng lập, ông cũng có công đưa ngành này vượt qua nhiều thử thách và phát triển như hiện nay.  

Một số công trình tiêu biểu của GS Phạm Phụ là: Tối ưu bậc thang Thủy điện, Phản biện dự án thuỷ điện Sơn La; Nghiên cứu khả thi bổ sung Thủy điện Nam Thuen 2 của CHDCND Lào; Quy trình vận hành tối ưu hệ thống thuỷ điện Trị An - Đa Nhim… Ông cũng được nhiều tổ chức quốc tế mời chủ trì và tham gia nghiên cứu một số đề tài có liên quan đến Việt Nam như: Ảnh hưởng của tự do hoá giá cả và cải cách thị trường đến nông dân và kinh tế nông thôn ở Việt Nam, Phát triển tài nguyên con người phục vụ phát triển nguồn nước đồng bằng sông Cửu Long...

Là người tâm huyết với giáo dục, sinh thời, GS Phạm Phụ từng đóng góp nhiều ý kiến nhằm cải tiến giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH. Theo ông, giáo dục là "học để biết, để làm, để sống với nhau và để làm người" chứ không phải học chỉ để làm.

Cũng theo GS Phạm Phụ, đối với giáo dục đại học, triết lý của Hội đồng trường là “tạo ra sự thay đổi” (make a change), còn triết lý của hiệu trưởng là “giữ trong trật tự” (Keep in order). "Nếu không có Hội đồng trường đúng nghĩa thì giáo dục đại học Việt Nam không đổi mới được. Và tất nhiên, mức độ tự chủ có một “phổ” rất rộng, không phải đại học nào cũng có đầy đủ quyền tự chủ và mức độ ở các nội dung tự chủ cũng khác nhau. Và, đổi mới càng cơ bản thì càng phải bài bản và có lộ trình"...

Giáo sư Phạm Phụ qua đời ảnh 2 GS Phạm Phụ đóng góp ký kiến cho Luật Giáo dục Đại học năm 2011

Khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa IX và Uy viên, Phó trưởng Ban Giáo dục đại học của Hội đồng quốc gia giáo dục, ông tập trung vào nghiên cứu về giáo dục đại học. Ông được biết đến là chuyên gia phản biện sắc sảo tại các hội thảo, diễn đàn về giáo dục đại học. Các vấn đề "hội đồng trường", "tự chủ đại học" hiện đang còn là chủ đề nóng, nhưng ông đã nghiên cứu sâu từ năm 2000. Ông là một trong những người đầu tiên kiến nghị xây dựng cơ chế hội đồng trường ở trường đại học, cần xem dịch vụ giáo dục đại học là loại "hàng hóa đặc biệt" và có sự can thiệp của Nhà nước. Ông đã có trên 120 bài báo viết về những vấn đề nóng của giáo dục đại học như tự chủ đại học, hội đồng trường, tài chính cho giáo dục đại học, vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận…

GS Phạm Phụ nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 2002.

Ông từng được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký, Ủy ban quốc tế Mê-kông, Bangkok, Thái Lan (từ tháng 3-1986 đến tháng 12-1988).

Trưởng khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) từ năm 1991 - 1996.

Đại biểu Quốc hội (1992-1997).

Chủ tịch hội đồng quản trị, Ban Quản lý dự án khu Công nghệ cao TPHCM (1997 – 1999).

Phó trưởng ban, Ban Quản lý các khu công nghiệp – Khu chế xuất TPHCM (1996 - 2000).

Ông cũng từng là thành viên của nhiều hội đồng, hội đoàn như: Hội đồng cố vấn Trung tâm Viện công nghệ Châu Á tại Việt Nam (AITCV), Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á của TPHCM, Hội đồng khoa học kinh tế – quản lý của Bộ xây dựng, Hội đồng phong học hàm quốc gia liên ngành Xây dựng – Thuỷ lợi – Cầu đường... và nhiều hội đồng thẩm định dự án Quốc gia...

Tin cùng chuyên mục