“Hãy tiếp tục cởi trói cho trường!”
Hình như cả cuộc đời, ông dành cho sự nghiệp nghiên cứu công tác quản lý giáo dục đại học. Bởi theo ông, một khi nhà trường được “cởi trói”, chúng ta mới mong có một thế hệ trẻ Việt Nam đủ sức hội nhập tốt trên trường quốc tế.
Vốn là đại biểu Quốc hội, ông đã mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh cho tự chủ đại học - không chỉ trên hội trường thảo luận các vấn đề về giáo dục của Quốc hội, mà còn trên nhiều diễn đàn giáo dục. Thường ông kết lại ý kiến của mình bằng câu: “Hãy cởi trói đi!”, đầy ngắn ngọn và súc tích. Tiếng nói phản biện của ông và nhiều nhà giáo khác trong nhiều năm, cũng đã đạt những hiệu quả nhất định. Các trường đại học đã được “cởi trói” để tự chủ về mặt tài chính.
Tuy nhiên theo ông, tự chủ đại học đâu đơn giản chỉ có tài chính như vậy. Giới đại học trên thế giới còn chia đến 7 nội dung tự chủ đại học: Tự chủ về nghiên cứu và công bố (R&Pu), Tự chủ về nhân sự (Staff), Tự chủ về chương trình và giảng dạy (C&T), Tự chủ về chuẩn mực học thuật (Ac.S), Tự chủ về sinh viên (Stud), Tự chủ về quản trị trường (Gov.), Tự chủ về hành chính và tài chính (A&F).
Vẫn bông mới, bình cũ!
Để tự chủ đại học thực sự thành công, Giáo sư Phạm Phụ cho rằng các trường phải có một hội đồng trường đủ mạnh. “Tiếc rằng hội đồng trường hiện nay ở các đại học hoạt động chưa đúng vai trò cần có”, ông nhấn mạnh. Vì sao? Ông lý giải: Ở Việt Nam, các tổ chức nói chung thường không có vấn đề tách rời quyền sở hữu và quyền ủy thác sử dụng. Ở môi trường đại học, hội đồng trường chính là hội đồng ủy thác sử dụng.
Thế nhưng, trên thực tế đại học tư thục Việt Nam, hội đồng quản trị cũng là hội đồng trường. Quy chế của Bộ GD-ĐT cũng quy định, ai góp vốn nhiều nhất là chủ tịch hội đồng quản trị. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, ai nắm tiền thường nắm quyền quyết định! Trong khi ở đại học công lập, hội đồng trường được thành lập, nhưng do nhiều nguyên nhân, đã hoạt động mờ nhạt, thiếu hiệu quả.
Ông nhấn mạnh: Hội đồng trường phải là một hội đồng đại diện được cho các “nhóm lợi ích có liên quan”. Họ không chỉ đại diện cho nhà nước, cho chủ sở hữu, cho thầy cô giáo mà còn cho sinh viên, cho phụ huynh. Kể cả cho chính quyền địa phương, các học giả, nhà tài trợ, nhân dân và cộng đồng dân cư trong khu vực trường. Và, thường số thành viên hội đồng ở bên ngoài nhiều hơn trong trường.
“Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng!”
Nói biết bao nhiêu cho đủ những điều ông đã ấp ủ nghiên cứu cả một đời người.
Tự chủ đại học đã được nhắc đến từ cách đây hơn 2 thập niên và được luật hóa từ năm 2005. Các nhà quản lý giáo dục đã khẳng định “tự chủ” là con đường phát triển của giáo dục đại học Việt Nam và thí điểm đổi mới cơ chế quản lý. Tuy nhiên, trên con đường bước tới vẫn còn quá nhiều sỏi đá, gập ghềnh. Cần lắm những tiếng nói phản biện đầy lương tri như ông.
Thế nhưng, đời người là hữu hạn. Bởi hôm nay, chúng tôi đã phải bùi ngùi vĩnh biệt ông và nhớ đến ông bằng danh vị cố Giáo sư Phạm Phụ - Nhà nghiên cứu giáo dục, người thầy của bao thế hệ học trò.